Bóng nước Hồ Gươm (Chương II)

Chương II

Thời tiết đã vào giữa mùa hè. Quanh bờ Hồ Gươm, cây cỏ nảy nở trong mùa xuân nay tắm nắng hè lại càng mơn mởn xanh um, như có vẻ tràn lan thêm ra cả mặt hồ. Trên đường Thập Lý và trong những lối rẽ vào thôn Vũ Thạch, vào thôn Phục Cổ, vào thôn Tự Tháp, cỏ mọc lan ra cả lối mòn chân đi. Nhưng hôm nay, cuối tháng năm, một ngày hè nắng đẹp, những nhánh cỏ non bò lan trên đường rẽ vào xóm Đông thôn Tự Tháp, đang vui múa chan hòa với ánh nắng, bỗng bị từng đoàn người rầm rập tiến vào trong xóm giẫm nát cả, kẻ đi người lại ra vào luôn luôn, như trong một ngày hội lớn. Mà đây cũng là một ngày hội lớn thật, một ngày hội lớn đặc biệt, có một không hai ở bên cạnh Hồ Gươm này từ trước đến nay. Bởi vì đó là một cái hội giản dị, không có nghi thức trang trọng bề ngoài như của vua chúa, và cũng không ồn ào nhốn nháo như thường thấy ở những cuộc hội dân gian. Giản dị nhưng nghiêm trang, vì ở đấy tập trung tất cả hầu hết những nhân vật danh vọng tiêu biểu nhất trong các hàng chính, giáo và hào  ở hai cái tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh này. Điều đặc biệt nữa là tất cả các bậc danh vọng ấy dù có gia nhân hay lính hầu đi theo vào đến đây, cũng đều một mình đi bộ. Ngựa, võng, điếu, tráp, quạt hầu đều gửi lại ở các làng xóm phố phường bên ngoài: ở phường Hà Khẩu, ở thôn Bảo Khánh, ở Hàng Cau, Hàng Bài, hay xa hơn nữa. Hàng cơm bác Hai Phúc hôm nay cũng được đón tiếp nhiều võng, lọng, điếu, tráp và cả lính hầu của các quan ở các tỉnh huyện xa đến. Các quan to trong hàng chính chức, giáo chức và thân hào quyền thế đều về họp cả ở đây cùng với một số lính hầu, gia phu đi bộ giẫm nát những cỏ tơ trên đường vào thôn Tự Tháp cũng giống như trước kia, trong lúc thiếu thời, họ đã từng đi lại nhiều lần trên khoảng đường này, không ồn ào náo nhiệt, không tỏ ra đài các quyền quý. Vì giờ đây họ cũng vẫn chỉ là những môn sinh trở về mừng lễ khánh thành nhà từ đường thờ bậc tôn sư đã dạy dỗ, tác thành cho họ. Mà trong quang cảnh đồng môn, trước vong linh của bậc tôn sư cao quý, tất cả mọi môn sinh đều ngang hàng, mỗi người chỉ còn là một tên học trò hèn mọn của thầy. Đây không phải là một kỷ luật quy định. Chỉ vì uy danh của thầy to lớn lan rộng khắp vùng, nên ngay cả những người không phải là học trò, hôm nay đến mừng lễ, tự nhiên cũng tuân theo cái ước lệ thành kính ấy. Vị thầy cao cả mà hôm nay ai nấy đều tưởng nhớ đó là tiến sỹ Vũ Tông Phan, biệt hiệu Lỗ Am tiên sinh, tự hiệu là Hoán Phủ, đỗ Tiến sỹ đời Minh Mạng mới ngoài hai mươi tuổi, được nhà vua ban cho cờ biển đề bốn chữ “thiếu tuấn đăng khoa”30. Ra làm quan đến chức Tham hiệp trấn Thái Nguyên, rồi vì thương tù, tìm đủ mọi bằng cớ, lý lẽ để thả tù ra, mà bị giáng chuyển sang Đốc học tỉnh Bắc Ninh. Sang đấy, ông viện cớ đau ốm, xin cáo quan về, ở luôn nhà, thường lấy nghệ xoa và tự hun khói cho vàng người để từ chối mọi lần trên gọi đi nhận chức mới. Ông người làng Hoa Đường ở Hải Dương, khi bé theo học cậu ruột là Lập Trai tiên sinh Phạm Quý Thích, Hoàng giáp nhà Lê, làm Đốc học Hà Nội. Ông học ở Hà Nội đã sớm yêu cảnh Hồ Gươm, ông làm nhà ở thôn Tự Tháp ngay bên cạnh hồ, trông ra cái nền đài câu cá của vua Lê Thái Tổ ngày trước. Đối cảnh ông đã đề bốn câu thơ hoài cổ:

Khí thiêng gươm báu ánh sao mờ,

Nền cũ, đài câu, thuyền khách trơ!

Tiếc đất phồn hoa muôn thuở ấy,

Với hồ nay cũng đượm màu thu!

Ông mở trường dạy học ngay bên hồ, giữa nơi kinh đô cũ, có đường đi lại tứ chiếng rất thuận tiện, nên khắp nơi mộ tài mến đức, sỹ tử kéo nhau về theo học rất đông. Đường học thức uyên thâm được khắp trong triều ngoài nội, không ai là không biết đến, còn tính tình đức độ thật là mô phạm một thời, ít có người sánh kịp. Tính ông điềm đạm, bình tĩnh, dũng cảm, quyết đoán không kiêng nể quyền quý. Đã đến học cửa ông thì sang hèn cũng như nhau, cứ ai học giỏi, có đạo đức tốt là được khen ngợi, ai có lỗi về xử thế, về hành vi là đều bị khiển trách nghiêm phạt. Ông rất nhân từ, yêu kính mọi người và luôn luôn chú ý cứu giúp mọi người cơ nhỡ bần cùng. Tất cả dân chúng trong vùng đều tôn ông như là một ông thầy kính mến của chính mình. Nay ông đã mất, môn sinh đã làm lễ cải táng, xây mộ, lại xây từ đường thờ ông và đặt ba mẫu ruộng tự điền làm lễ tế giỗ hằng năm. Hôm nay, từ đường đã làm xong, môn sinh các nơi theo giấy đạt của trưởng tràng, đã lục tục kéo về họp mừng lễ khánh thành và để tưởng niệm đến thầy đã mất. Phần đông đều đã thành đạt. Về họp hôm nay, có quan Hiệp biện đại học sỹ Lại bộ thượng thư Hoàng giáp Vân Lộc Nguyễn Tư Giản, người bên Du Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh, đang lĩnh chức Hà đê chánh sứ ở Bắc kỳ, quan Hình bộ biện lý Phó bảng Phạm Hy Lượng, người làng Nam Ngư, hiện sung Phó sứ sang Tàu vừa về qua đây, quan Thám hoa Hoàng Xuân Hợp, người làng Dũng Thọ, quan Án sát Phó bảng Dương Danh Lập, người làng Khắc Niệm bên Bắc Ninh… Tất cả mọi người dù danh vọng đến đâu, đều đi bộ đến nơi từ đường và răm rắp tuân theo mệnh lệnh của vị trưởng môn mà thầy đã cử ra từ lúc sinh thời: Đó là quan Tư nghiệp31 Quốc Tử Giám Lê Đình Duyên. Ông là người thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, đỗ Cử nhân khoa Mậu Thân năm Tự Đức nguyên niên, năm sau đỗ Hoàng giáp mới hai mươi sáu tuổi. Ra làm quan chỉ quanh quẩn thích ở giáo chức, năm Tự Đức mười ba, được cử làm Đốc học tỉnh Nghệ An rồi ra lĩnh chức Đốc học tỉnh Hà Nội này ngót chục năm, đến năm Tự Đức hai mươi ba được triệu vào kinh lĩnh chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, ông cáo bệnh không đi, xin ở lại Hà Nội, cuối cùng xin nghỉ về làng. Rồi vốn tâm mộ thầy, để được sống gần thầy hơn, ông ra mở trường dạy học ở gần cửa ô Yên Hậu, trong phố Hàng Đậu, sau lại làm thêm mấy gian nhà lá bên cạnh Hồ Gươm, cùng thưởng thức cái thú gió hoa trăng nước với thầy.

Ông cáo quan về, ở gần thầy được mấy năm (thực ra trước đây, ông cũng vẫn ở gần thầy, vì ông làm Đốc học tỉnh Hà Nội. Học chính đường ở ngay thôn Minh Giám, tổng Yên Hòa, về phía đông nam Văn Miếu. Thầy mất, ông chịu tang như con đẻ và liệu lý cả việc ma chay. Ba năm xong tang, cải táng cho thầy rồi, tất cả môn sinh lại ủy ông đứng ra trông coi việc xây mộ, dựng bia, đặt ruộng tự điền tế giỗ thầy và làm nhà từ đường thờ thầy. Bổ và thu tiền đồng môn các nơi về, ông cùng với mấy môn sinh tại gia đi mua vật liệu, rồi đứng ra hưng công làm từ đường, hơn bốn tháng đã xong. Ông đã thông đạt cho tất cả môn sinh các nơi về dự lễ khánh thành hôm nay. Các bạn đồng môn về hầu gần khắp mặt. Trước khi vào dự một cuộc tế lớn, ông vui vẻ dẫn các bạn đi xem một lượt quang cảnh từ đường. Làm kiểu chữ nhị vít tường vây vuông thành kiểu chữ quốc, từ đường trông mãi ra phía hồ, hai bên cột trụ có khắc hai đôi câu đối. Đôi ở bên ngoài bảy chữ:

Sông Nhị, sóng ôm, ơn thấm khắp,

Hồ Gươm ánh rực, đức truyền xa

Câu ở bên trong dài hơn:

Nhà mới, nền xưa, qua cửa vẳng vang lời dạy bảo,

Đạo cao, lễ trọng, lên thềm phảng phất vẻ dung nghi

Ở gian giữa nhà tế đường treo bức hoành sơn son viền chỉ triện vàng với bốn chữ lớn thếp vàng rực rỡ: “Trông hồ nhớ nghĩa”. Bên trong là ba gian chính tẩm, ngoài là nhà đại tế năm gian đều bằng gỗ lim bào nhẵn bóng, không chạm trổ hoa lá. Ai nấy đều bằng lòng cái cảnh trí giản dị và tôn nghiêm và đều khen vị anh cả trưởng tràng khéo xếp đặt, giúp đỡ các thế huynh, con thầy, tu bổ nơi nhà cũ này, từ nhà cửa, gỗ ngói cho đến câu đối, văn bia đều tự tay ông xếp đặt cả, mà rất trang nhã, hợp cảnh và ý nhị. Ông trưởng tràng chỉ vào những cột gỗ lim mới đỏ hồng, cười bảo các bạn: – Những cột kia còn đợi câu đối của chư huynh đấy

Rồi cuộc đại tế bắt đầu vào lúc cuối giờ Thìn, kéo dài mãi sang quá giờ Tỵ. Trên bàn thờ, ở chính giữa, lễ tam sinh đã được dâng lên. Cậu ấm cả, người duy nhất đại diện gia đình nhà thầy trong cuộc đại lễ này, thân đi thắp tuần hương thứ nhất, tiếp đó các môn sinh mở đầu cuộc tế lớn. Ông trưởng tràng làm chủ tế. Hai ông Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản và Thám hoa Hoàng Xuân Hợp đứng bồi tế. Cuộc tế nghiêm trang, chuông trống nhịp nhàng. Mọi công việc nhớn nhỏ đều do môn sinh làm cả. Ba tuần rượu sơ, á, chung hiến lần lượt dâng xong, từ văn tế chúc đã được đem đốt trên bàn tay một viên tế tung lên tàn bay là là lơ lửng. Tế xong, lễ vật được hạ xuống. Mọi người nghỉ ngơi trò chuyện một lát nữa. Một số môn sinh sở tại cùng với gia nhân nhà thầy và lính hầu của các quan về dự, sửa soạn các mâm cỗ. Người ta bưng những mâm cỗ lên bày thẳng hàng ở giữa mỗi chiếc chiếu giải liền nhau khắp năm gian nhà. Theo lời mời của trưởng tràng, các môn sinh lần lượt ngồi xuống chiếu, cứ bốn người một mâm, theo thứ tự từng khoa, ai học lớp trước ngồi trước. Phải ngồi ra cả ngoài hàng hiên và xuống cả nhà dưới mới hết. Các vị khác không phải là môn sinh, các cụ già trong thôn xóm được mời đến cùng với ông ấm cả ngồi riêng trong nhà chính tẩm, có mấy ông trưởng tràng và quan to như Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, thám hoa Hoàng Xuân Hợp, Phó bảng Phạm Hy Lượng hầu tiếp. Khách ăn đến gần hai trăm người mà rất yên ổn, trật tự, vì đây là một cuộc họp ở nhà thầy, lại có đông những người đã ra làm quan thờ vua trị nước, yên dân. Ăn uống xong, khách ra về, tất cả môn sinh lại tụ tập ở nhà đại tế. Ông trưởng tràng tổng kê lại với anh em mọi món tiền thu, chi và nói luôn đến dự định tu bổ thêm từ đường và định lễ tết hằng năm. Ai nấy đều vui vẻ y theo dự kiến của trưởng tràng. Cuối cùng, trong không khí trang nghiêm kính cẩn, bằng một giọng tha thiết và đanh thép, ông trưởng tràng nói rành rọt như đấm mạnh thêm cho mỗi tiếng: – Nhân hôm nay, có đông đủ các hiền hữu, lại cùng chung hợp trước hương hồn đấng tôn sư lúc nào cũng căn dặn chúng ta phải nuôi mạnh sỹ khí, làm sáng tỏ đạo thánh, tôi muốn bàn với các hiền hữu, chúng ta để một chút thì giờ xét qua về các đoàn thuyền Tây dương Phú Lãng Sa nó đang đậu ở bờ sông Cái kia. Tuy là việc phụ, nhưng vì có quan hệ đến việc lớn nước nhà, nhất là từ mấy tháng nay, xem ra nó coi thường cả phép nước, khinh nhờn các quan, hà hiếp dân chúng, làm nhục đến cả nước. Thế tất sỹ lâm33 ta phải tỏ ý chí và hành vi thế nào đối với bọn ấy. Cho nên, tôi thiết tưởng cũng là việc chính cần bàn ngay… Phó bảng làng Nam Ngư Phạm Hy Lượng nói ngay: – Ngu đệ trộm nghĩ: có tốt đất, cò mới đậu. Đã có hòa ước thông thương, thì họ đến buôn bán với mình, cứ để cho họ đến, việc gì cản trở họ cho thêm sinh rắc rối. Cũng chỉ vì ngăn không cho họ vào buôn, mà thành ra mất sáu tỉnh Đường trong đấy… Ông mền34 Kim Liên Trần Quang Luyện ngắt luôn: – Thế anh bảng Nam Ngư làm quan giữ về hình án, thấy có thể muốn vào ở nhờ nhà người ta, người ta chưa cho, cứ đánh giết bừa người ta đi rồi chiếm lấy cơ nghiệp. Như thế anh xét xử cho kẻ ấy được kiện à? Ông trưởng tràng vội gạt đi: – Chúng ta không nên vặn lý nhau ở đây. Ta chỉ bàn cách đối xử thế nào cho phải lẽ.

Phó bảng làng Ném, Dương Danh Lập, cũng nói:

– Đã ký hòa ước với họ thì phải giữ hòa hảo, quân tử chỉ ư tín, gây ra xích mích hiểu lầm nhau là do có kẻ xúi bẩy bên trong, ta nên trừng trị kẻ nào xúi bẩy, vạch mưu..

Cử nhân Nam Phố, phố Hàng Bè, Lương Huy Ý, đang làm Án sát tỉnh Ninh Bình cũng nói: – Tôi xét ra sức dân ta yếu, ta không nên bới chuyện sinh sự, cứ nên tuân mệnh triều đình, vì hai nước đã hòa hảo, sứ họ đã đến dâng quốc thư và bệ kiến đức vua ta. Nếu ta cứ gây sự, càng thêm khó khăn cho triều đình, mà họ lại càng có cớ… Ông Đốc trưởng tràng ôn tồn nói: – Các hiền hữu phần đông đi trọng nhậm nơi xa, không rõ tình hình phố phường mấy tháng nay. Anh Kim Cổ hãy thuật lại những việc để các hiền hữu rõ hơn, ta bàn mới sát lý sự###Ông Cử phường Kim Cổ Ngô Văn Dạng nói: – Xin phép chư tôn huynh, đệ ro ró ở nhà, chỉ nghe lỏm, nhớ không được rành mạch, xin để anh Hai Phúc kể lại rõ hơn, vì anh Hai chịu lặn lội, len lỏi đi hỏi han nhiều, chỗ nào có việc gì lạ là đến ngay###Bác Hai Phúc ngồi im ngập ngừng chưa dám nói. Ông Đốc hỏi ý kiến anh em. Mọi người đều muốn biết rõ đầu đuôi, đồng thanh giục. Bác Hai mới lên tiếng: – Bẩm các quan anh, hồi cuối tháng mười một năm ngoái, có giấy mật sức cho dân phải đề phòng đoàn thuyền Tây đến Hà Nội cấm không được xôn xao và thông đồng đi lại giao thiệp với Tây. Thì hai hôm sau, đoàn thuyền nó đến thật, có ba tàu máy, hai thuyền buồm, chở khoảng chừng trăm rưởi người đủ cả Tây, ta và Khách, Tây ngăm ngăm đen. Ngày hôm sau tên trưở ng đoàn Đoቹ Phoቻ̉ Nghı̃a35 với cả đoàn Tây, Tàu lên dự tiệc nó thết hàng bang và Khách buôn lớn ở nhà hội quán phố Hàng Buồm. Hôm sau nữa, nó thân dẫn một tàu máy đi lên Sơn Tây, đến sáng ra, mặt giời độ ba bốn con sào, nó lại ì ì trở về đây. Nó không vào trình quan, mà chỉ nhờ hàng bang chuyển giấy hẹn gặp quan tỉnh ta thôi. Sang đầu tháng chạp, nó với một quan phủ người Tàu gặp quan Bố và quan Đề ở hội quán Hàng Buồm. Nó bảo nó sẽ đem các thứ hàng gạo, muối, súng, đạn lên bán ở Vân Nam. Các quan ta bảo cho nó biết rằng trong điều ước không thấy định rõ việc buôn bán ở Hà Nội, và việc tải khí giới qua nội địa là một điều cấm. Nó nói nó cứ đi, vì đã có điều hòa ước và có giấy của quan Tổng đốc Vân Nam là đủ, vì đây là thuộc quốc của nhà Thanh. Bên nó có thông ngôn người Sài Gòn và bọn Khách. Bên ta không có người nói được tiếng Tây, nên ngôn ngữ bất đồng, nói không hết ý, phải cho đi đòi cố đạo Phước ở Kẻ Sở lên, thì ba bốn hôm sau mới đến được. Quan ta cấm không ai được chở hàng cho bọn nó và bắt dân chài phải giấu hết thuyền đi. Nhưng bọn Khách buôn vẫn tìm được thuyền cho nó, nên cuối tháng chạp, tên Đồ Phổ Nghĩa đem hai tàu máy nhỏ đi Việt Trì, cùng với một đoàn thuyền ván ngược lên Vân Nam. Còn tên phó hình như tên là Mi Lộ vẫn ở lại đây. Nghe nói đến Việt Trì chúng nó có lên bộ mua gạo củi hiếp của dân phố, đánh lính canh và hành hung những ai không chịu bán hàng cho chúng. Đến cuối tháng ba vừa rồi, thì nó về đến đây. Nó đi lọt được và về đến nơi không việc gì cả, nên nó càng lên nước làm già. Nó đem quân lên đóng ngay ở hội quán Hàng Buồm và cho làm kho chứa hàng ở ngay ngoài bờ sông cạnh cửa ô Quan Chưởng. Mới hôm đầu tháng, bọn nó đã mua cướp, đánh người ở chợ Hàng Bè. Và hôm kia đây, nó lại bắt một người ở phố Hàng Buồm đem giam ở dưới thuyền chưa thấy thả. Nó còn bắn tin rằng nếu không cho người nó tự do đi lại buôn bán, nó sẽ nhờ quan Tàu sang bắt ta phải theo ý nó… Thưa các quan anh, sự thể ở phố xá đang xôn xao bàn tán như thế###Câu chuyện kể dài dòng nhưng rành rọt, vì bác Hai đã căm tức, nhớ rõ quá, nêu bật hẳn sự lấn át quá đáng của bọn Tây dương làm cho mọi người cùng im lặng, lắng xuống trong một mối tức giận chung. Không khí trở nên nghiêm trang, nặng trĩu, buộc mọi người phải suy nghĩ. Các cậu ấm con thầy, và cậu tú San, cháu đích tôn thầy, lúc này thấy bàn đến thời thế cũng ngồi họp với đồng môn. Cậu ấm Ba, người trước đây đã từng sốt sắng đi báo khắp văn hội bàn cách chống Tây dương, tiện dịp liền đứng lên tiếp lời với vẻ quyết liệt hơn: – Có va chạm chúng nó hằng ngày ở ngoài phố mới thấy chướng tai gai mắt. Hòa vi quý. Nhưng hòa với Phật chứ không thể hòa với ma. Tín vi tiên. Nhưng tín với người lịch thiệp, chứ không thể tín với kẻ cướp của, giết người. Đối với bọn giặc ấy, chỉ có cách xin với các quan trên tâu lên với triều đình cho phép dân cư đánh cho một trận, chúng nó mới biết sợ… Ông ấm Cả vội ngắt giữa câu: – Chú không được hỗn, nói leo, im nghe các quan bàn! Chú thì biết cái gì! Ông Đốc làng Mọc đỡ lời: – Được, cậu Ba cứ nói. Ai có mưu kế gì cứ đưa ra. Hợp chúng trí36 mới nên việc lớn chứ###Và thấy mọi người vẫn ngồi im, ông phải lên tiếng hỏi to: – Các hiền hữu nghĩ thế nào? Có tiếng nói: – Thưa các tôn huynh, bọn Tây dương sở dĩ lấn át làm càn được, chính là vì có tay chân nội ứng###Ông Đốc nhìn theo và hỏi: – Quan Tuần Định Công định ám chỉ bọn nào? Xin nói rõ###Người vừa nói là Trịnh Đình Thái, người xã Định Công, đỗ Nhị giáp Tiến sỹ, làm Tuần phủ Lạng Bình, vì tiễu phỉ bất lực phải điều về Hà Nội coi việc chuyển vận lương thực. Thấy hỏi đến, ông nói thêm: – Tôi nói bọn Khách và bọn đi đạo lấy gạo… Phạm Hy Lượng và Dương Danh Lập cũng nói theo: – Chúng tôi cũng nghĩ như thế###- Ta nên tìm cách bắt hết vây cánh, tai mắt của bọn nó đi đã. Ta cứ theo luật cấm bắt hết bọn Khách buôn và dân giáo… Ông mền Kim Liên nói: – Việc đó làm trước kia thì được, khi bọn Tây chưa vào đây còn được. Bây giờ nó đã ở lẫn với mình rồi, làm nghiệt quá, tôi e rằng bất lợi, có khác nào vạch áo cho người xem lưng và lại đẩy dân của mình đi theo giặc###Phạm Hy Lượng cãi: – Sao lại bất lợi? Có tội cứ chiểu luật mà trừng trị, có thế mới ngăn ngừa được bọn côn đồ chủ tâm đi theo người ngoài###Ông Cử phường Kim Cổ tiếp: – Quan tỉnh đã có bắt giữ bọn Quan Tá Đường, Tống Tài, Tuân Thành, Lê Đạt Ký… rồi đấy và cũng đã cảnh giới một số hiệu Khách buôn Hàng Buồm. Nhưng bọn con buôn hám lợi, ta bắt bọn này, thì sẽ lại có bọn khác ra. Cho nên trị bệnh phải trị tận gốc, phải làm sao triệt hẳn bọn Tây dương thì mới yên. Đệ thiển nghĩ cần phải bàn nhau giữ gìn, dạy dỗ từ mọi người dân thường trở lên đều biết rõ mưu mô của giặc để mà chống, và nếu cần thì phải cho dùng đến vũ lực… Tuần phủ Trịnh Đình Thái nói: – Các ông không ở trong chính giới37, các ông không biết. Triều đình đang bận về dẹp phỉ ở mạn ngược, binh tài dồn cả vào đấy chưa xong. Tây thì khí giới mạnh, lại mạo hiểm đi xa, hung hăng liều mạng quen đánh trận. Gây sự với họ chưa chắc đã thắng. Vả đã ký kết với họ, họ có cớ vào đây, thiết tưởng lấy lời mà nói cho họ nghe ra lẽ phải thì hơn. Còn bên trong ta cứ trị những đứa làm trái pháp luật của ta, không nói vào đâu được. Thế là nhất cử lưỡng tiện, một mặt ta trừ được tay chân địch, một mặt họ được lợi cũng sẽ không muốn sinh chuyện ra làm gì nữa. Mà làm việc này thiết tưởng để dân phường phố ở đây làm thì đắc lực hơn, như các thế huynh, anh Hai Phúc, anh mền Kim Liên, anh cử Kim Cổ… nghe ngóng biết rõ kẻ nào thì thụt và… Ông cử Kim Cổ hỏi: – Thế bọn Tây nó cứ không theo pháp luật thì sao? Không trị tội à? Bác Hai Phúc nói theo: – Gây sự đánh phá bọn Khách buôn thì không khó. Tết Trung Thu năm nọ, mượn cớ múa sư tử, chúng tôi đã phá chúng nó một mẻ, nhưng xét ra chỉ gây thêm thù oán, chứ không được lợi gì. Nghĩ cho kỹ, đúng như bác cử Tam Sơn hồi cuối năm ngoái sang đây bảo với chúng tôi rằng: bọn Tây, bọn Khách giàu sụ đều mong muốn ta gây sự đánh nhau với Khách, với người đi đạo. Nên ở đây chúng tôi đã loan báo cho nhau phải hết sức tránh mọi sự xô xát, đừng để chúng nó lợi dụng mối bất hòa ấy mà ly gián xúi bẩy được###Nguyễn Tư Giản cười hỏi: – Các bạn lại cả nghe ông anh cuồng của chúng ta rồi chứ gì? Ông anh ta tâm điền tốt, nhưng lông bông, không thiết sự tình, nghe ông ấy, nhiều khi không trúng việc###Ông Đốc nói tiếp có vẻ bênh ông bạn già: – Không, ít ra lần này bác cử Ngô Tam Sơn nói đúng. Bọn Tây chủ tâm lấn át ta, cốt sao chiếm hẳn được đất Bắc này như sáu tỉnh trong Nam mới thôi. Nên bất cứ cuộc hằn thù nào trong dân ta, trong những người cùng sống với nhau ở đây, đều có lợi cho bọn chúng. Bởi vậy, nếu ta không khéo, cứ đi trừng trị bọn Khách, bọn đạo thì vô tình lại đáp đúng lòng mong mỏi của bọn Tây. Ta phải cố hết sức tránh gây ra hiểu nhầm hiềm thù nhau. Vả hiện nay, nó đã ở lẫn ngay với ta, hằng ngày gây chuyện hành hung dân ta. Nếu giận cá băm thớt, chỉ làm lợi cho nó thôi. Nên chúng ta cần bàn ngay cách đối phó thẳng với bọn nó###Ông cử Kim Cổ nói thêm: – Các vị cứ bảo bác cử Tam Sơn là bác ấy không thiết thực. Chứ bác ấy thấy rõ hơn chúng ta, bác ấy sống rau cháo như dân chúng, bác ấy lăn lộn như dân chúng, bác ấy vui buồn như mọi người dân thường. Ý nghĩ của bác ấy đúng như mọi người dân phường phố ở đây đang tức tối. Có chúng ta ở xa cách… Cuộc bàn bạc chưa ngã ngũ ra sao, ý kiến còn đương giằng co miên man. Bỗng ở ngoài ngõ có tiếng ồn ào, rồi một người chạy vụt vào, hớt hải nói lắp bắp: – Bẩm các quan lớn, Tây nó bắn chết người ở cửa Nam! Ông Đốc bước vội ra hỏi giật: – Sao? Nó bắn chết người à? Ông cử Kim Cổ thở dài, nói: – Đấy nhé, các bác coi, nó cố tình gây chuyện###Ông mền Kim Liên cáu tiết chửi: – Cha tiên sư đồ phủ nghĩa38, đồ bất nhân, bất nghĩa! Quân ăn cướp, giết người! Vừa lúc ấy một người nữa chạy vào: – Nó bắn chết thầy lý Kim Liên, rồi nó bỏ chạy cả. Dân đành phải khiêng thầy Lý vào huyện###Không còn ai ngồi im được nữa. Mọi người đổ xô cả ra đường. Ông mền Kim Liên chạy xông lên trước và gầm to: – Nhất định bắt nó đền mạng! Đến đầu khu Chùa Tháp, tiếng ồn ào như vỡ chợ đã vọng lại. Ngoài đường, các ngả, lác đác người chạy tới, tiến về phía cửa huyện. Mọi người đều rảo cẳng. Dân hàng phố, dân các xã Kim Liên, xã Minh Giám, xã Bích Lưu, xã Nam Ngư, phường Tiên Thị và các nơi, kẻ gậy người giáo, đang bừng bừng nộ khí vây kín cửa huyện. Có người hét lớn: – Quân lính triều đình đâu? Hàng ngàn, hàng vạn người thế này mà chịu để cho một dúm chó khô mèo lạc ở đâu đến, nó hoành hành giết người giữa thanh thiên bạch nhật thế này à? Có những tiếng khác thét to hơn: – Bọn làm việc quan quách ăn hại đái nát à? – Kéo ra bãi phá tan tàu thuyền chúng nó ra chứ! Thấy dân chúng bồng bột quá, Nguyễn Tư Giản cuống cuồng sợ xảy ra to chuyện gây thêm khó khăn cho triều đình, vội đẩy quan Đốc học Lê Đình Duyên lên và giục: – Bác bảo họ hãy khoan khoan đã, để quan trên còn xét chứ! Ông Đốc cũng sợ dân đang tức liều lĩnh làm càn, vội kêu: – Khoan đã! Khoan đã! Ông ngồi Đốc học tỉnh này lâu năm, lại giản dị gần dân, được mọi người biết mặt, rõ tên và mến phục, nên khi mấy ông bạn vừa đỡ ông lên đứng công kênh trên vai hai người lính hầu ôm đỡ, thì ai nấy đều xôn xao: – À quan Đốc học! – À quan Đốc Mọc! Ông giơ tay xua vẫy! Mọi người im dần. Ông nói tiếp: – Bà con hãy khoan! Đợi các quan xét cho ra lẽ đã. Chúng ta nhất định phải đòi nó phải đền mạng gấp đôi, gấp ba###Nhân dân nghe theo, bình tĩnh lại, im lặng chờ đợi. Đoàn môn sinh lách vượt lên, vào được đến cổng. Cổng đóng, cửa cài kỹ. Một toán lính đứng canh cả trên chòi và dưới đất sát hàng rào chông chà, lăm lăm khí giới trong tay. Bọn lính thấy dân ở ngoài đã im, và nhận ra quan Đốc Mọc, thấy ông đến nơi, vội đánh ba tiếng trống báo ở trên chòi và hé mở cổng để quan Đốc và một số quan lớn nữa cùng vào, rồi lại đóng sập ngay cửa lại. Các môn sinh khác phải đứng ở bên ngoài lẫn với dân chúng. Ông huyện Thọ Xương nghe trống báo vội vã ra đón, vái chào và thân dẫn ngay mọi người đi thẳng vào trại lệ, vừa đi vừa nói chuyện qua loa về tình hình. Xác Lý trưởng xã Kim Liên để trên một chiếc chiếu giải ở sàn đất bên chái đông trại lệ, mặt phủ một tờ giấy trắng, mình đắp một áo dài the. Có ba người phu tuần và một con giai nạn nhân ngồi túc trực. Ông huyện Thọ nâng tờ giấy bản lên và lật cả áo ra, chỉ những vết đạn cho đoàn người mới đến xem và gọi viên lại mục đem tờ biên bản vừa mới làm xong trình quan khách. Nạn nhân bị ba vết tử thương, một vết sượt qua trán làm mất một mảng đầu, một vết trúng bả vai và một vết xuyên qua bụng. Ông Đốc hỏi tình hình lúc bị nạn. Một người tuần khai: – Bẩm các quan lớn, thầy Lý dẫn năm tuần phu chúng con đi trên đường cái quan Thiên Lý lên cửa Nam có việc quan, đang đi thấy có ba tên Tây đang nhổ cướp rau ở vườn làng Nam Ngư gần đường cái. Thầy Lý chúng con đến bắt chúng phải trả lại. Ba tên Tây hung hăng gây sự, một đứa đứng sau nổ súng bắn đỡ cho hai đứa mang rau chạy trước. Nó ngắm thẳng bắn bừa luôn mấy phát, thấy thầy Lý ngã khuỵu xuống rồi, nó vội vác súng chạy tháo lui về phía cửa Đông… Chúng con chỉ có gậy nên không dám đuổi… Ông Đốc quay lại nói với ông Biện lý bộ Hình Phạm Hy Lượng: – Đấy, rõ ràng là nó mưu đồ ý khác, chứ không phải chỉ đến thông thương! Ông huyện nói thêm với các vị khách: – Bẩm các cụ lớn, hạ chức đã cho phi trình lên cụ Thượng để ngài xét định… Bẩm có lẽ phải tạm giữ tử thi tại đây hôm nay, đưa ra bây giờ dân chúng họ làm náo động lên mất! Ông Thượng thư Nguyễn Tư Giản cũng nói: – Có tư đòi nó đến hỏi cho ra lẽ thì cũng phải đến mai. Để dân chúng đợi mãi thế này vô ích, bất lợi, mất công mất việc. Ta phải làm thế nào cho dân họ về nhà đi, để các quan còn khám nghiệm. Xong đâu đấy, mai bà con lại đi đưa đám, tiện hơn… Ngập ngừng một lát, ông nói thêm: – Quan huyện có nói được không? Hay ta lại nhờ bác Đốc###Ông Đốc không muốn nhận: – Thôi, thôi!… Đó là phận sự của các quan tại chức. Tôi đây lão giả an chi39… Ông huyện cũng nằn nì: – Bẩm, cụ lớn nói dân dễ nghe theo. Vả lại, thưa cụ lớn, dân đang nóng nẩy, dễ khích nộ, để tụ tập đông và đứng lâu lúc này rất bất tiện, họ dễ nghe xúc xiểm, có thể xảy ra những việc không hay làm khó khăn cho các quan tỉnh. Chỉ đã rối, nên gỡ ra không nên để rối thêm… Ở ngoài, dân đợi lâu chưa thấy tin tức gì, lại ồn ào chen lấn cả vào hàng rào. Ông huyện thấy mình không thể nào đứng ra nói mà trấn tĩnh ngay được lòng dân, vội khẩn khoản nói thêm với ông Đốc như có vẻ chì chiết: – Bẩm cụ lớn, hạ chức ra nói bây giờ dân họ không nghe đâu. Cụ lớn có lên tiếng giúp cho, mà dân họ biết nghe theo thì vừa lợi cho họ, vừa được việc cho triều đình. Bằng không, cùng lắm, hạ chức đến phải ra lệnh cho quân lính đem khí giới ra xua đuổi###Các ông Nguyễn Tư Giản, Phạm Hy Lượng, Lương Huy Ý cũng mỗi người một lời nói thêm vào. Cuối cùng, ông Đốc đành phải leo lên chòi nói dõng dạc với nhân dân: – Hỡi bà con trong làng ngoài phố. Giời chiều gần tối rồi, mà việc các quan xét chưa xong, bên tỉnh còn cho trát đi bắt hung thủ để đối chất. Sự thể thế nào có thể đến mai mới rõ. Vậy bà con ta hãy tạm về nhà làm việc. Đứng đây bây giờ cũng vô vị. Sáng mai, chúng ta lại tụ tập chỉnh tề ở đây xem bọn nó đối xử ra sao, và đi đưa đám người quá cố một thể, gọi là nghĩa tử nghĩa tận… Lời nói ôn tồn của một người khoa giáp mô phạm, thanh bạch, luôn luôn gần gũi dân, được mọi người nghe bàn tán ồn ào, trong khi họ vẫn lắng nghe ông nói tiếp: – … Tôi cũng là một người dân căm tức như bà con. Nhưng việc quan có tình còn phải có lý, không thể vội được. Vậy bà con nên nghe tôi, hãy về nhà đã, đỡ chầu chực mất công, mất việc###Mọi người ngẫm nghĩ đều cho là phải, nhộn nhịp ào ào kéo nhau tản ra các ngả đường, giải tán. Các “quan môn sinh” cũng lần lượt về nhà từ đường tiếp tục cuộc họp bàn lúc nãy. Tình thế nguy bách quá, rõ ràng quá, không có ai còn thể ôn hòa được nữa, đến ngay như các ông Phạm Hy Lượng, Dương Danh Lập lúc trước chỉ muốn dĩ hòa vi quý, để cho Tây vào buôn bán càng có lợi cho dân, thì bây giờ cũng phải hung hăng nói chỉ còn nhất định có đánh mà thôi, đánh triệt từ thằng thầy cho đến cả tụi lau nhau tôi tớ. Đó là điều quyết định cuối cùng và nhất trí. Khi bàn đến việc đem thi hành, các quan tại chức đều vội bận ra về để mẫn cán đi đảm đang phận sự của mình ở nơi trọng nhậm, nên đều đồng thanh giao cho trưởng tràng và các bạn đồng môn tại gia đôn đốc, vận động anh em đem hết tài ba, tâm lực cùng với bà con trăm họ tìm mọi cách trừng trị bằng được những kẻ phạm luật pháp của triều đình, bất kể là ta, Tây, Khách. Và đồng môn còn phải theo dõi trừng phạt những kẻ nào ngả nghiêng vụ lợi trong hàng ngũ tư văn. Tất cả anh em ra về trong cái ý chí sắt đá ấy. Ngôi từ đường mới, ngói mới đỏ, tường vôi trắng lại trở lại cảnh trang nghiêm tĩnh mịch bên bờ Hồ Gươm cây xanh, nước biếc. Và trong ngôi từ đường yên tĩnh ấy, đêm hôm nay cậu ấm Ba, người thanh niên đang bồng bột nghĩa khái, lần đầu tiên được say mê trong giấc ngủ ngon lành, mơ màng văng vẳng tiếng nói dõng dạc của quan Đốc, say sưa như đã thấy rõ sức mạnh của đồng môn, của văn hội###*** Vào khoảng giờ Tuất tối hôm ấy, ông Tri huyện Thọ Xương, cho lính ra gọi Bá hộ Nguyễn Ngọc Kim, Chánh tổng tổng Đông Thọ, kiêm chức Trợ biện huyện vụ, Bá Kim vào đến nơi, ông huyện hỏi ngay: – Binh tình ở ngoài thế nào? Bá Kim đáp: – Bẩm quan lớn, canh phòng cẩn mật, các ngả vẫn yên tĩnh cả###- Dân có bàn tán gì không? – Bẩm mọi người đều căm tức, dân chỉ muốn báo thù… Ông huyện hạ thấp giọng: – Ấy khó khăn là ở đấy. Trong tỉnh báo phải mai táng đi, đừng để dân sự lôi thôi làm khó khăn thêm. Triều đình đang bắt Súy phủ nó ở Sài Gòn ra đền đáp bồi thường mọi thứ đấy và đòi bọn Đồ Phổ Nghĩa về. Mình làm mạnh quá, sợ già néo đứt dây. Nên trong tỉnh ra lệnh phải chôn cất ngay đêm nay. Mà nha mình đây phải cáng đáng mọi công việc… Thấy viên Trợ biện còn ngồi im lặng ra vẻ nghĩ ngợi, ông nói tiếp quả quyết hơn: – Vợ Lý trưởng hiện ở đây rồi. Tôi đã bảo chị ta nghe ra, người đã chết, cứ để phơi bày ra thêm tội! Chỉ còn Chánh tổng và lão mền Kim Liên, tôi định cứ cho gọi lên đây, bảo không nghe, thì giữ lại đây cho khỏi lộ, mà họ nghe theo thì càng tốt… Bá Kim vẫn ngồi im, ông huyện vội ngừng lại, hỏi: – Thầy nghĩ gì? Hay thầy cũng ngả về phía dân ngu, muốn hung hăng làm liều? Tôi thấy thầy trước nay vốn đạt lý, được việc, nên mới bàn với thầy. Việc cấp bách lắm rồi… Bá Kim nói ngay: – Bẩm quan lớn, lòng dân đang sôi lên sùng sục. Ăn cùng dân, ở cùng dân, làm trái họ, rồi mang tiếng để đời. Vả thưa quan lớn, tôi sợ nhất đám đồng môn quan nghè Tự Tháp. Họ vừa mới bàn định với nhau lúc chiều xong. Mà lại có quan Đốc Mọc đứng đầu###Ông huyện cười lớn: – Việc quan có bao giờ thẳng như ruột ngựa đâu. Điều đó, thầy mà lại còn không biết à? Đây là lệnh của quan trên, tất họ không thể chống lại quan trên được. Quan Đốc Mọc lại càng không thể làm trái lệnh triều đình… Ngừng lại nhìn thẳng vào mặt kẻ đối thoại, ông vui mừng như reo lên, đưa ra được bằng chứng để thuyết phục: – À này! Vả lại ngay trong bọn họ, họ cũng có sợ nhau đâu. Chính lão Cử nhân Minh Hương ở phố Phúc Kiến vừa mới vào đây chơi, đưa cái thiếp của Huỳnh Lục Ký Hàng Ngang đây này. Ý nó định xin vào hầu bàn thêm về việc này đấy###Bá Kim cầm lấy tờ thiếp ở tay ông huyện đưa cho ngắm nghía hai dòng chữ: Khách ở phương xa chưa đành tam cố, Người cùng nhà những muốn tứ tri###Lão không hiểu nghĩa, nhưng cũng đoán biết là họ vẫn đi lại giao thiệp với nhau qua những người môi giới. Tự nhiên lão đâm ra suy nghĩ: – Họ nghiệt người dễ ta thế đấy, lão tự nhủ thầm. Dân có biết đấy vào đâu. Mình cứ nhắm mắt theo họ là dại! Vậy thì tội gì mình lại cứ trung thành theo đúng điều cấm của triều đình. À đã thế thì được. Mình cũng sẽ xoay giở cho họ trắng mắt ra mà xem###Trong khi ấy, ông huyện kể lể: – Đấy, thầy nghĩ kỹ mà xem, dàn xếp khéo để lợi cho nước hơn, hay là hung hăng làm hỏng việc, đằng nào hơn? Vậy, bây giờ, thầy đi giùm đem trát mời thầy Chánh tổng Kim Liên và mời bác mền Kim Liên lên đây. Mọi việc sẽ phải làm xong ngay đêm nay. Tỉnh sẽ chu cấp cho khổ chủ và chịu mọi tổn phí. Như thế khổ chủ có thiệt phận, nhưng tang quyến cũng có lợi… Rồi ông hỏi gặng: – Thế nào? Thầy nhận ra rồi chứ? Bá Kim đang theo đuổi ý nghĩ riêng, vội đáp: – Thưa quan lớn, vâng ạ###Ông huyện khen để khuyến khích: – Tôi vốn biết thầy thức thời đạt lý, quả cảm, nên cứ hễ giao việc được cho thầy là tôi thấy nhẹ mình, và có lợi cho nhà nước###Bá Kim đã tìm ra được cách đối xử, liền tỏ ý vui vẻ làm theo lệnh của huyện, đi ngay với một người lính cơ xuống gặp mặt đưa giấy mời hai nhân vật danh vọng nhất của xã Kim Liên lên huyện ngay đêm ấy hầu quan có việc thượng khẩn. Đưa hai ông bạn vào đến trại cơ, để đợi chú lính lên trình quan, lão chào hai ông bạn rồi ra ngay, cắm cổ đi thẳng lên phố Đông Thành###Rẽ ra phố chợ Đông Thành, lão tìm đến nhà bạn học cũ là Tú tài Nguyễn Tích. Thấy Kim gọi cổng vào giữa lúc đêm khuya, Tích sợ có việc chẳng lành, không dám lên tiếng, lẻn trốn xuống bếp. Nhà đã thắp đèn sáng, cửa mở, Bá Kim cứ xồng xộc bước vào vội vã. Sau khi biết rõ Kim đi tuần, muốn vào đây nghỉ lại để nghe ngóng tình hình dân sự miền cửa Đông này, Tích mới dám thò ra tiếp bạn. Qua loa mấy câu hỏi han mào đầu, Kim hỏi ngay đến nghĩa chữ “tứ tri”. Tú Tích cắt nghĩa rành rọt: – “Tứ tri” là bốn biết do tích ông Dương Chấn đời Hán. Ông ta rất thanh liêm, nên nghèo lắm. Có người đem vàng đến đút lót, lạy van nói với ông rằng: “Xin ngài cứ nhận cho không có ai biết cả”. Ông ta cười, từ tốn bảo người ấy rằng: “Có giời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, bốn bề cùng biết, sao lại bảo là không ai biết”. Ông từ chối###Kim vỗ tay reo: – A ha! Ra nó hẹn sẽ đem tiền đến lễ! Thâm thật, mưu gớm thật! Tú Tích hơi lạ, hỏi: – Cái gì thế? Kim vội nói lảng ra: – À có gì đâu, mình dốt quá, bắt được tờ giấy của bọn Khách gửi cho sở tuần Thanh Hà, thấy có chữ “tứ tri”, mình chả hiểu gì cả, đem vào trình quan huyện Lão ta giữ ngay lấy, mình hỏi, lão chỉ tủm tỉm cười, không giảng###Tú Tích cũng thích chí, cười đế vào: – Quan huyện Đào Trọng Kỳ còn phải bàn! Nói bâng quơ mấy câu về quan huyện, Bá Kim vội vin vào cớ đêm đã khuya, xin đi ngủ, cốt ý tránh phải nhắc đến vụ án mạng ban ngày. Lão ngủ lại ở đấy. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được, nghĩ ngợi lung tung, lão bỗng cười thầm tự nhủ: – Dù sao thì trong thời buổi nhiễu nhương này, phải biết giữ mình là hơn cả, làm giai cứ nước hai mà nói. Mình sẽ… để rồi xem họ xử sự như thế nào? Lão khoái chí với một ý định rành rọt như thế, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, trời vừa sáng, lão bừng tỉnh dậy khoan khoái thanh thản. Lão rửa mặt rồi chào Tú Tích, vội trở ra về ngay. Vừa đi lão vừa vui vẻ lẩm bẩm suy tính những dự định đối phó ngay trong đám tang Lý trưởng Kim Liên này, cốt sao đứng ngoài vòng mà vẫn vơ được cả danh, được cả lợi, không để cho một ai lừa dối, giấu giếm nổi mình###Vừa về đến gần phố cổng huyện thấy lao xao động tiếng người, lão vội rẽ vào, đã nghe thấy tiếng quát: – Đã chôn rồi à? Ai chôn? Người đã đứng đông đặc kín cả phố huyện, Bá Kim cố lách vào đến gần cổng huyện, trong khi nghe tiếng người khác thét to hơn: – Cụ Mền, cụ Chánh đâu cả? Người con giai Chánh tổng Kim Liên vội nói lớn: – Cụ Mền và thầy tôi có trát quan đòi lên huyện tự tối hôm qua, cùng đi với cụ Trợ tổng Đông, chưa thấy về###Bá Kim thấy cơ hội tốt hợp với ý mình, lại nhân có người nhắc đến, liền ra mặt lên tiếng: – Phải, phải, hai cụ tối qua có đi với tôi lên huyện. Nhưng không phải đi chôn thầy Lý đâu. Ai chôn? Chính tôi đây giữ việc tuần phòng cũng chưa biết. Nếu đi lên chôn thì đã về rồi. Có lẽ các cụ bị giữ lại chăng? Mọi người nhao nhao lên: – Thế thì ai chôn? Ta phải kéo vào huyện hỏi cho ra lẽ###Trong huyện, viên lại mục vội ra loan báo: – Quan huyện bảo trong này không có ai chết cả mà ồn ào lên thế. Có một người ngộ sát thì khám cho phép mai táng từ tối hôm qua rồi! Bá Kim chộp ngay lấy cơ hội dân đang tức, nói với mọi người: – Việc này chỉ tại quan Đốc Mọc hôm qua bảo ta về, ta cứ đi tìm quan Đốc mà hỏi###Dân chúng mắc mưu ngay. Có người hỏi: – Quan Đốc có còn ở ngoài này không nhỉ? – Cứ lại nhà xem nào! Người khác nói###Nhiều người đang nôn nóng muốn rõ sự thể, không kịp suy nghĩ, vội hung hăng ồ ạt kéo nhau đi. Một số thấy người chết đã được chôn cất rồi là xong việc, rủ nhau ra về. Đám đông kia ào ào kéo qua dọc làng Tự Tháp ra đến phía bờ hồ gần phố Hàng Hài, tụ tập đông đảo ở cổng nhà ông Đốc, nhưng chưa ai dám xông vào hoặc lên tiếng. Bá Kim đứng ngoài giục: – Bà con nên mời quan lớn ra mà hỏi###Người trong nhà thấy ồn ào chạy ra báo cho biết quan Đốc còn ngủ, mọi người còn đang trù trừ, bàn tán. Có người nói: – Xin nhờ cụ Bá Đông vào hỏi cho tiện###Nhiều người tán thành: – Phải đấy! Phải đấy! – Nhờ cụ vào nói chuyện với quan lớn dễ hơn chúng tôi###Nhưng Bá Kim ranh mãnh lái ngay: – Tôi cũng chỉ là dân thừa hành, quan trên bảo sao thì làm theo vậy. Đã dưới quyền các quan, mà bà con cử tôi vào hỏi thì chi bằng cứ nhờ ngay cái ông người nhà quan kia hỏi hộ lại còn hơn. Hay là bà con sợ thì thôi, đi về vậy! Bị nói kháy, nổi khùng lên, một bác ngỗ ngược hùng hổ nói: – Quan ngủ thì kéo vào dựng cổ quan dậy mà hỏi###Vừa lúc ấy, ông cử Kim Cổ được tin nhân dân kéo đến bắt đền quan Đốc, vội chạy từ phố Hàng Gai đến đón đầu đám đông và hỏi lớn: – Bà con kéo nhau đi đâu thế? Rồi không đợi ai đáp, ông nói chặn ngay: – Các người không được vô lễ. Hôm qua vì còn đợi xét hỏi, quan Đốc sợ bà con mất công, mất việc, nên mới bảo bà con về. Còn việc chôn cất kẻ bị nạn có liên quan gì đến quan lớn đâu… Ở đầu đằng kia cũng có tiếng ồn ào. Nguyên cậu ấm Ba Tự Tháp, nhà ở gần ngay đấy, nhưng hôm nay ngủ trưa, mãi khi có tiếng chân đông người kéo đi rầm rập ngoài đường, cậu mới giật mình choàng tỉnh dậy, chạy bổ ra đường. Chợt thấy Bá Kim đi qua, cậu lanh ý hiểu ngay có kẻ xúi khích, liền quát vặc luôn: – Đứa nào xui dân kéo nhau đi đâu? Có giỏi đi ra ngay đánh bỏ mẹ thằng Tây đi xem nào! Đồ gà què ăn quyện cối xay! Mọi người đang đổ dồn vào nghe ông Cử nói và cậu Ba quát thì chợt có tiếng nói ôn tồn: – Ai? Ai hỏi tôi? Tôi xin ra đây! Tiếp theo có những tiếng reo lên: – A! Quan Đốc… – Quan Đốc đã ra! Tất cả quay lại, xôn xao rồi im lặng. Một ông già búi tóc củ hành, trên đầu lơ phơ mấy sợi tóc bạc phơ, mặc quần đỏ, áo lụa, đi dép, một tay chống cái gậy trúc, ung dung đứng trước mặt mọi người, đôi mắt sáng ngời trên nét mặt hồng hào như đang dò hỏi bà con. Một người lễ phép nói phá tan im lặng: – Bẩm thưa cụ dân chúng con mắc lừa! Ông già từ tốn tiếp lời ngay: – Thì tôi đây cũng bị mắc lừa như bà con. Việc quan đã có chứng cớ thì phải xét, mà xét thì phải đủ cả hai bên nguyên bị, có thì giờ đối chứng. Quan trên bảo thế. Tôi cũng nghĩ thế, nên tôi mới giục bà con về. Còn đêm đến, người ta chôn vội thế nào? Lý do tại sao? Tôi có là chính quan tại chức đâu mà tôi biết. Bà con muốn biết rõ nguyên do đến hỏi tôi, thì chính tôi đây cũng đang muốn biết. Nhưng bây giờ kẻ bị nạn đã mồ yên mả đẹp rồi, bà con ta vin vào đấy mà bới ra cũng không có lợi gì. Kẻ thù trước mắt ta nó sẽ còn hung hãn rông càn hơn, và sẽ có nhiều đứa mưu mẹo lừa dối bà con để về hùa với giặc mà kiếm chác. Tôi thiết tưởng bà con nên biết điều đó mà đề phòng. Làm sao ngăn cấm được cái tội lỗi của con người ta ngay từ lúc nó mới phát, giữ được đúng cái lẽ “phòng vi, đỗ tiệm”40 của cổ nhân, chứ hung hăng mà không được kết quả gì cả thì có ra gì! Ngừng lại một lát lấy hơi, ông nói tiếp rắn giỏi: – … Còn bây giờ bà con bắt đền thế nào, tôi cũng xin chịu! Ông Đốc thôi không nói nữa, thanh thản, trìu mến nhìn mọi người. Ai nấy đã trở lại bình tĩnh, suy nghĩ, gật gù khen phải. Có những tiếng nói nhỏ với nhau: – Quan Đốc nói phải đấy, bới ra cũng vô ích… – Có hỏi thì kéo đi hỏi tội hẳn thằng Tây… – Ừ, ta kéo hẳn ra bờ sông đi. Ta mời cả quan Đốc cùng đi###Ông Đốc nghe thấy họ bàn tán như thế, lại phải vội nói thêm: – Không phải vì tôi đang mệt mà tôi định không cùng đi với bà con đâu. Nhưng vì tôi thiết nghĩ, đối với người nước ngoài, ta muốn đòi hỏi cái gì, phải có bằng chứng hiển nhiên. Nay kẻ chết đã chôn cất rồi, kéo nhau ra hỏi, chúng ta lấy cái gì mà làm chứng? Vậy chúng ta hãy nên về cho khỏi mất công mất việc. Chúng ta hãy giữ lấy chí khí dũng cảm, dưỡng uy súc nhuệ41 để dành một dịp khác… Mọi người ngẫm nghĩ đều cho là phải, lục tục, im lặng, trật tự, kéo nhau ra về. Ông cử Kim Cổ đi theo ông Đốc vào nhà. Bá Kim đứng ở một góc đường nhìn theo đám đông tỏa ra các ngả vui vẻ như những người đi chợ về, bỗng buột miệng thốt ra câu: – Dân còn tin theo lão ta quá! – Lão nào thế? Bá Kim giật bắn người, quay lại sau vội nói đỡ: – À ra bác Tú. Xin thất lễ với bác. Không biết có bác, nói nhảm một mình, thế nào lại lọt vào tai bác. Rõ chán! Tú tài Nguyễn Tích cười, hỏi: – Làm sao giữ ở ăn cơm không ở, vội về ngay, mà giờ còn đứng thẩn thơ ở đây? Bá Kim phân trần: – Ấy thưa bác, về đến cổng huyện, thấy đám đông người kéo đến định hỏi quan Đốc Mọc về việc chôn cất thầy lý Kim Liên, mình có phận sự tuần phòng, nên phải đi theo đến đây, e có gì không hay xảy ra lại sinh rắc rối thêm. Nhưng may quá, quan Đốc nói, dân nghe ra, mọi người đều vui vẻ yên ổn ra về. Kể cũng giỏi thật###Tú Tích nói: – Chuyện, vạn sự xuất ư nho mà lỵ! Có thế mới đúng danh tiếng quan Đốc. Nhưng này, ông anh tâm phục quan Đốc tôi thật đấy chứ, hay là căm giận nhân dân trăm họ? – Tôi ấy á? Bá Kim đáp chống chế. Sống cùng dân, ở cùng dân, chết cũng cùng dân, ai mà dám giận dân. Còn quan Đốc thì… thì ngài dạy cả bàn dân thiên hạ, không phục mà được. Tú Tích hỏi, ranh mãnh: – Thế bây giờ ông anh định đi theo ai? Định theo quan Đốc à? Bá Kim trả lời nửa đùa nửa thực: – Theo thì muốn theo quan Đốc, nhưng còn muốn “ngũ tri” cái đã###Tú Tích vỗ vai bạn, tỏ ý khen: – Còn muốn biết hiện nay có cái sự không xuất ư nho mà lại làm lay chuyển cả cuộc đời chứ gì? Được đấy! Can trường, ốc sạo như ông anh may ra ăn thua to. Nhưng này, không khéo đâm lao phải theo lao thì chết! Liệu đấy! Hai người cùng cười, dẫn nhau đi về phía làng Cổ Vũ qua đình Đức thánh Tản, rẽ sang phố Hàng Đào###*** Bác Hai Phúc ra đến chợ Hàng Bè thì chợ đã vãn người, chỉ còn lèo tèo mấy thứ hàng rau và một ít cua cá mới ở dưới sông đem lên. Dạo này chợ chỉ đông xô xát một lúc buổi sáng thôi, vì ở phố xá, Tây Tàu nhộn lắm, mà binh lính của các quan lúc này lại càng được thể hoạch dân, người nào thể chẳng đừng được mới phải mò ra chợ. Nên chợ vắng lắm. Bác đi đảo một lượt chẳng mua được gì cả, liền rẽ vào phía ngõ Nam Phố ở cuối chợ thăm chú Sìn ở hiệu phở Dụ Hưng Lâu. Hàng vắng khách. Chú Sìn đang ngồi gấp vằn thắn để bán cho hàng rong buổi chiều, thấy bác vào, liền đứng lên kéo một cái ghế đẩu ở bàn ăn bên cạnh vào mời bác ngồi và bắt đầu hỏi chuyện ngay: – Thế nào? Hàng đằng ấy có khá không? Rồi không để cho khách kịp trả lời, chú Sìn nói luôn: – Đằng này ế lắm ạ! Dạo này người ta sợ sệt đi đâu cả, chẳng còn thấy ai vào hàng nữa. Thế này rồi cũng đến bỏ sới mà về Quảng Đông thôi! Ở đây có ngày không chết tội thì cũng chết đói! Bác Hai vội đỡ lời, yên ủi: – Có làm thì có ăn, khéo như chú, sợ gì đói. Mà không gian dối phạm pháp thì ai bắt tội được mình###Chú Sìn phân trần: – Khốn nhưng trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Các ông tướng Tây hoành hành, bọn Khách lớn hùa theo, rồi các quan An Nam không ngăn nổi quay ra đi trị phạt bọn Khách nhỏ chúng tôi. Luôn mấy hôm nay đấy, đòi hỏi, bắt bớ, cấm đoán bao nhiêu là nhà rồi đấy… Họ bảo là tại bọn Khách trú chúng tôi đi theo Tây, nên họ đòi lên dọa nạt là sẽ trả thù! Bác Phúc thấy cần ôn tồn giảng giải cho ra lẽ để kéo giữ ông bạn hàng về phía mình: – Việc quan có nhiều uẩn khúc ngoắt ngoéo. Nhưng chú xem, từ năm ngoái đến nay, dân chúng trăm họ ở đây có ai gây sự hiềm khích gì với các chú đâu. Có điều là cũng có một số Khách buôn ta đi theo về hùa với bọn Đồ Phổ Nghĩa thật cơ mà###- Cái ấy có. Chú Sìn tiếp. Nhưng đầu chả phải, phải tai, bọn đầu têu thì chả thấy chúng nó việc gì. Chỉ khổ bọn tôm tép thôi###Bác Phúc lại lựa dần vào đích của mình: – Như thế là ngoắt ngoéo đấy. Có lẽ có kẻ ném đá giấu tay cốt làm cho người Nam, người Khách thù ghét nhau… Chợt có người nói xen vào: – Tôi cũng nghĩ thế, vì tôi xem ra cái bọn lính Vân Nam và cả cái ông tướng Lý Dương Tài – Quảng Tây đến nhà hội quản hôm nọ, cũng không phải là quan quân của triều đình Đại Thanh. Chỉ là một kẻ theo Tây dương để kiếm lợi… Tôi cũng có nói với Ả Sìn như thế###Thấy bác Phúc ngơ ngác vì có một người lạ mặt vừa ở trong bếp bước ra xen vào câu chuyện, chú Sìn nói rõ thêm: – Ả Chí nó đây mới ở mạn Đồng Đăng về đấy, vừa bị cả bọn lính Vân Nam và quan An Nam bắt tra hỏi mấy lần đấy. Rõ quỷ tha ma bắt, còn biết đằng nào mà mò. Bác Phúc quay sang hỏi người người bạn mới: – Thế chú có tức không? Người kia nói: – Tức chứ! Nhưng nghĩ cho cùng, tức giận thì tức ai kia chứ? Tức lính Tàu hay tức quan An Nam? Chung quy tại bọn Tây cả. Tôi ở cái đất An Nam này đã non hai chục năm, khắp cả mỏ đồng, mõ kẽm về đây, nên tôi biết. Từ trước đến giờ có thế đâu. Nên tôi chẳng hơi đâu mà tức giận. Về đây, tôi cũng bảo bà con tôi đừng có nông nổi… Câu chuyện đang sắp đến lúc cởi mở, bỗng ở ngoài đường có tiếng con gái gọi vọng: – Bác Phúc có ở đây à? Tôi đương đi tìm… Ba người đều trông ra: Một cô con gái độ mười tám tuổi, mặc áo dài tứ thân vải đồng lầm, quần nái nhuộm sòi chấm gót, đầu vấn khăn nhiễu tam giang, bỏ đuôi gà óng ả, thoăn thoắt đi vội vào quán. Chú Sìn chào hỏi trước: – Chào cô Xuyến! Bác ấy vừa mới vào đây. Cô tìm có việc gì thế? Cô gái mới đến cúi đầu gật chào mọi người, rồi đến gần nói riêng với bác Phúc: – Bọn Tây nó đánh quan Đốc Mọc đau lắm. Cậu ấm Phách bảo tôi đi tìm bác. Tôi vào hàng, nhà bảo bác ra chợ. Tôi chạy… Bác Phúc sửng sốt kinh ngạc, hỏi ngay: – Nó đánh ở đâu? Có sao không? – Thấy nói ở cửa Bắc, đâu quan lớn vừa ở trường học Yên Ninh ra###Chú Sìn chép miệng nói góp: – Rõ khổ! Thật là lũ chó nhà giời sai xuống cắn quàng, còn là khổ cả dân Nam, dân Khách ạ! Bác Phúc cuống cuồng không kịp chào chú Sìn và chú Khách vừa mới gặp, vội chạy đi ngay. Cô gái phải chạy ra dặn với: – Quan lớn chưa về nhà đâu. Tôi thấy cậu ấm cũng chạy lên phía cửa Bắc###Bác Hai không nói gì, cắm đầu chạy tắt xóm Gia Ngư sang phố Hàng Bạc xiên sang Hàng Buồm, qua cầu Đông lên phường Đồng Xuân, thẳng lên ô Yên Hậu, qua cửa trường quan Đốc, không thấy gì, bác vội chạy tắt xuyên qua mấy thôn Yên Thành, Yên Định, ngoắt vào đầu làng Yên Ninh. Ở đây đã thấy nhốn nháo người đi lại bàn tán, bác không hỏi thăm ai, cứ một mạch lao đến nhà học xá của huyện Thọ Xương, ở phía Tây của làng Yên Ninh, bên hồ Trúc Bạch. Quả nhiên đúng như bác dự đoán, quan Đốc hiện còn ở đây. Trong nhà trường có đông các thân hào và tư văn42 trong vùng, được tin quan Đốc bị nạn, đã chạy đến hỏi thăm. Ông cử Kim Cổ, cậu ấm Ba Tự Tháp, quan Huấn đạo43 Thọ Xương đang bàn nhỏ gì với nhau ở gần cửa buồng chái bên tây. Các người khác ngồi im lặng, nét mặt có vẻ căm tức, nghĩ ngợi. Không thấy quan Đốc, nhưng bác không dám lên tiếng hỏi, cũng lặng lẽ rón rén bước vào ngồi bên những người đã đến trước. Một người ở phía nhà dưới đi lên, bưng một bát nước và nói: – Bẩm quan, nước cua sống lọc kỹ rồi đây ạ, xin quan đưa vào mời cụ lớn cố xơi cho hết… Ông Huấn đạo Thọ Xương chạy ra đỡ lấy bát nước cua gạch đem vào buồng. Ông Cử quay ra nói với mọi người có mặt ở đấy: – Ta phải họp ngay Văn hội Thọ Xương và họp đồng môn Tự Tháp. Quan Huấn đã ký đạt anh em họp ngay chiều nay ở Văn Miếu###Bác Phúc được dịp hỏi ngay: – Xin quan bác cho đệ vào thăm quan Đốc một tí, gọi là có đầu làm lễ, hai nữa xem bệnh tình thế nào, đệ có thể nắn bóp cho nhẹ thương tích… Ông Cử nói: – Được, để quan lớn nghỉ yên một tí đã, xôn xao và nhiều người nâng giấc quá lại đau thêm. Ở đây chúng tôi đã làm đủ cách rồi. Bây giờ tôi viết giấy đạt, bác cầm đi hộ, mời đồng môn ngay nhé… Ngừng một lát, ông Cử nói tiếp thủng thẳng: – Không thể nhu nhơ với bọn chó được nữa. Nó đánh quan Đốc tức là nó đánh tất cả chúng ta, đánh cả nước ta, chứ còn gì nữa! Ông Huấn đã ở trong buồng đi ra, nói với mọi người: – Cũng đã dìu dịu rồi, đau nhưng không đến nỗi nguy lắm. Việc hệ trọng liên quan đến cả danh giáo, đến cả quốc thể. Chúng ta phải mau bàn cách ngăn triệt lối lấn dần tằm ăn của bọn hung đồ hôi tanh ấy. Nếu cứ để mặc kệ thì rồi đến bọn Khách cũng sẽ khinh miệt và lấn át chúng ta. Nên chúng tôi đã bàn, chiều nay họp ở Văn Miếu. Bây giờ ta nên im lặng để quan lớn nghỉ ngơi… Hay là… Một vị khách đứng lên xin nói: – Quan Huấn đã dạy thế, bà con ta hãy về, chiều ta đến họp một thể. Những vị có mặt ở đây, không cứ là hàng văn hay hàng hào, ta đều đi cả. Ông huấn Thọ Xương tiếp lời: – Vâng, xin mời các vị đi cả cho đông. Việc là việc chung cả, giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh, nữa là. Sở dĩ phải thông đạt là vì còn có người chưa biết###Mọi người đứng lên khẽ chào từ biệt, lục tục kéo ra về. Bác Phúc xun xoe muốn biết rõ tường tận việc quan Đốc bị bọn Tây đánh như thế nào, nhưng chưa biết hỏi ai, vì ai nấy đều ra về cả, còn bác thì ở lại đây đợi ông cử Kim Cổ viết giấy đạt. Và trong mối lo lắng căm phẫn chung, tự nhiên bác càng thấy rụt rè không dám hỏi để ông Cử hay ông Huấn nhắc lại nữa. Nhưng khi mọi người về hết rồi, và ông Cử còn đương loay hoay viết, bác lỏn tót ngay vào buồng, vì bác tin rằng có cậu ấm Ba ở trong ấy rồi, ông Huấn có biết, cũng đã có người nhận cho. Qua cửa buồng, một cảnh tượng thương tâm đập vào mắt: mặt quan Đốc sưng vù một bên, mắt híp lại và một đầu gối phải buộc chặt, duỗi thẳng. Thấy bác vào, ông vẫn nằm im, trừng mắt nhìn như truyền tia lửa căm hờn sang cho bác. Cậu ấm Ba giơ tay ra hiệu im lặng đừng nói. Bác rón rén đến bên giường ngồi xổm xuống đất ngắm nhìn ông già nằm trên giường thở khò khè khó nhọc, như cố thu hút lấy cái hình ảnh đau thương ấy để mà đời đời ghi sâu mối thù kẻ giặc ngoài đến đây hành hung một bậc lão thành mô phạm, và cũng là để tâm niệm chia sẻ thêm nỗi đau đớn tức giận với ông bạn đồng môn cao quý. Bác ngồi như thiền định một lúc lâu, không nói một tiếng. Trong phòng im phăng phắc. Chợt ở ngoài có tiếng ông Cử gọi: – Anh Phúc đâu nhỉ? Bác vội rón rén lùi ra, mắt cố nhìn ông bạn già một lần nữa. Bác ra đến ngoài, ông Cử đưa giấy cho bác và giục đưa ngay đến các trưởng môn lẻ ở các xã tiếp nhận. Bác nhận giấy vừa ra đến cổng gặp ngay anh phu võng của quan Đốc cũng ở nhà bên vừa đi ra, bác hỏi ngay: – Chú mày đi đâu? Anh kia lễ phép nói: – Thưa bác, tôi vừa về dưới Tự Tháp lên, bây giờ tôi lại về Mọc tìm cậu hai###- Thế thì đi, ta cùng đi###Nói rồi, bác rảo chân đi lên trước, cho anh kia đi theo sau và hỏi: – Làm sao sức anh hai không che chở được cho thầy mà để bọn chó nó hành hung được như thế? – Thưa, nó xuất kỳ bất ý, chúng tôi vô tình, giở tay không kịp###- Sự tình xảy ra như thế nào, chú kể cho tôi nghe###- Thưa, sáng nay quan lớn từ trên Cổ Nhuế về, đi đến cửa Bắc gặp hai thằng Tây Phú Lãng Sa và một thằng Khách đang đứng xem xét và ghi vẽ cửa thành, quan lớn bảo chúng tôi dừng lại để ngài bảo chúng nó đi chơi chỗ khác, không được đứng vẽ cửa thành, như thế là phạm cấm. Thằng Khách nói sõi tiếng ta thông ngôn cãi lại là nó có quyền đi đâu, làm gì cũng được, không ai cấm nổi. Ngài có mắng chúng nó vô lễ, ăn nói quàng xiên. Thế là một thằng Tây xông ngay vào tát đánh ngài ngã chúi xuống đất, nó lại phang luôn mấy nhát gậy vào đầu gối, vào ống chân. Chúng tôi vội quăng võng, ôm lấy ngài và hô hoán lên. Dân làng, dân phố và lính tráng trong thành chạy ra. Ba tên kia bắn mấy phát súng rồi chạy tháo lui. Người ta bảo chính thằng Đồ Phổ Nghĩa đấy! Đâu chúng nó vừa ở hội quán Hàng Buồm ra. Quan Huấn và học trò ra vực quan lớn đưa ngay vào trường###Bác Phúc tức quá hỏi ngay: – Sao các anh không vác ngay đòn võng mà phang luôn cho chúng nó một trận? Anh phu kia nhăn nhở bào chữa: – Ấy, nó cuống lên, trí bất cập mưu, quẳng võng xuống, chúng tôi chỉ mải nghĩ cứu lấy thầy… Bác Hai cáu, đã toan gắt: “Tại chúng bay sợ nó có súng chứ gì? Đồ ăn hại!” Nhưng nghĩ sao, bác nén được ngay và nói lảng ra: – Thôi được, đi mau cho được việc nhé. Tôi rẽ về lối này cơ###*** Buổi chiều hôm ấy, bác Hai Phúc chưa đi hết lượt các bạn đồng môn ở từng xóm lẻ, nhưng hầu khắp các văn thân sỹ tử, kỳ hào được tin truyền cho nhau đã đến đông đủ ở Văn Miếu, đặc cả trong đền ngoài sân. Trời nóng bức, nhưng từng đám một, xúm nhau lại bàn tính hăng hái, ai nấy đều bừng bừng nộ khí, nhất quyết chỉ có kéo nhau ra sông đánh tan xác bọn giặc lõ chúng nó ra mới hả giận. Đợi quá chiều một chút, thấy đã đông đủ khắp mặt anh em ở các phường phố thôn xóm, cả các bạn Thanh Trì, Hoài Đức, ông Huấn đạo huyện Thọ Xương mới đứng ra nói rõ mục đích cuộc họp của văn hội và nêu việc phải trả thù cho quan Đốc, rửa nhục cho cả sỹ lâm ra hỏi ý kiến. Mọi người đều nhất trí cho là tất cả phải nhất tề đứng lên đánh trừ bọn hung đồ cướp của, giết người trời oán dân giận kia! Ông cử Kim Cổ đứng lên tiếp lời: – Bây giờ bà con ta phải bàn đến hai lẽ: một là chúng ta đánh nó thì thua được chưa biết thế nào, nhưng là phạm lỗi với triều đình. Dụ của nhà vua và lệnh các quan tỉnh đều ngăn cấm không cho ta gây sự với tụi nó, vì cho như thế là khích biến, làm khó khăn cho cuộc thương thuyết. Vậy chúng ta có chịu lỗi không? Mấy người nhao nhao tranh nhau nói: – Lỗi gì? Chúng nó cướp của giết người thì phải trừng trị chứ! Thương thuyết, hòa hảo gì, cái lối vừa đánh trống vừa ăn cướp, miệng nói hòa thân mà chủ tâm ăn hết cả lần trong lần ngoài váy con người ta! – Giặc đến nhà, đàn bà còn biết đánh, bọn nho phong sỹ khí như anh em mình lại đành đứng nhìn à? Ông Cử giơ tay gạt ra hiệu và nói: – Ấy là tôi hỏi thế để chư vị nghĩ kỹ. Hai là trong dân gian ta, theo ngu ý thiển nghĩ, có lẽ có nội phản, có kẻ đưa tin hoặc bầy mưu cho địch. Việc nó đánh quan Đốc không phải là ngẫu nhĩ đâu. Có đứa bảo nó biết được ở đây quan Đốc là người đứng đầu cả bọn chúng ta chống cản chúng nó và thường thường buổi sáng ngài hay sang chơi trường học Yên Ninh. Vậy thì chúng ta tính sao? – Đánh tất! Trừ tất! – Phải trị cho tiệt bọn lòng lang dạ thú ấy đi! Mấy người cùng nói lên một lúc, tỏ rõ quyết tâm của tất cả anh em. Ông Huấn nói tiếp: – Ấy phải nói rõ những trở ngại trước để anh em ta cùng liệu định, nhưng tôi tin rằng chí đã quyết thì chúng ta có sợ gì! Đây là mối thù danh giáo, chúng ta không thể để bọn man di đem sức cường bạo đến lấn át dân ta, cướp nước ta, giày xéo lên đạo lý của ta. Vì danh giáo, vì đất nước, chúng ta có sợ gì nguy nan, có e gì tiểu tiết? Anh em có quyết chí không? Mọi người ồn ào, hùng hổ cùng hét lớn: – Đánh! – Quyết chứ? – Chỉ có đánh! – Quyết đánh cho bằng được! Ông mền Kim Liên đứng lên nói: – Kim chỉ phải có đầu, việc hợp quần phải có xếp đặt. Xin thành lập đạo quân nghĩa sỹ. Tất cả những người có chân tư văn đều phải vào và đem nghĩa lý ra biến báo khắp nhân dân, mộ thêm người cùng tham dự. Trước hết hãy đánh bại Tây đi đã. Dập tắt được lửa, tự nhiên hết khói! Mọi người đồng ý ngay. Có người xin cắt cử ông cử Kim Cổ làm chánh đội trưởng và ông mền Kim Liên Trần Quang Luyện làm phó đội trưởng đạo quân ấy. Toàn thể anh em tán thành, suy cử hai ông làm chỉ huy và cắt thêm số anh em ở rải rác các thôn xóm giữ việc liên lạc do thám và lập danh sách những người thuộc về vùng của mình. Anh em giao cho hai ông chỉ huy toàn quyền xếp đặt và định ngày giờ tập hợp và luyện tập. Mọi người lại ủy ông Huấn đạo cùng với hai ông chánh phó đội trưởng làm đơn trình lên quan trên rõ ý định chính đại quang minh của hội Tư văn Thọ Xương lập ra đạo quân này để bảo vệ danh giáo, đuổi Tây cứu nước, cứu dân. Cuộc họp bàn nhanh chóng, mọi việc đều đi đến nhất trí, ai nấy đều như cùng hăm hở trong một ý nghĩ thiêng liêng quyết tâm chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu quyết liệt. Cuộc họp sắp tan, ông Huấn và ông Cử còn đang ghi nốt những tên người đã được cử ra. Chợt văng vẳng có tiếng trống tiêu cổ của quan trên đi đường, rồi một toán người ngựa dừng lại ở ngoài cổng Văn Miếu. Một toán quân sỹ đi thẳng vào. Trong này nhốn nháo, mọi người chạy đi chạy lại. Nhưng ông cử Kim Cổ đã đứng lên nói to: – Anh em ai đứng đâu đứng đấy, không nên lộn xộn###Và mọi người trông ra thấy quan Lãnh binh vệ thành đi bên một viên cai đội cầm lá cờ lệnh của quan Tổng đốc đã vào đến sân. Tiếng trống tiêu cổ đổ hồi, dứt hẳn. Mọi người trông thẳng lên lá cờ quỳ xuống phủ phục, rồi đứng lên ngay ngắn ngẩng nhìn quan Lãnh binh và hơn chục người lính đứng dàn ra hai bên. Ông Lãnh binh hất hàm hỏi: – Các anh tụ tập làm gì đông thế này? Ông Huấn đứng ra nói: – Bẩm quan lớn, chúng tôi văn hội và thân hào họp bàn về việc quan Đốc bị hành hung###- Để làm gì? – ông Lãnh binh hỏi với giọng sách mé###- Bẩm để bàn cách bảo vệ danh giáo và trả thù cho quan Đốc###- Việc quan Đốc đã có quan trên xét xử, ông Lãnh nói tiếp, các anh họp bàn thế này là trái phép, làm náo động dân tình, gây khó khăn cho cuộc bang giao. Cụ thượng cho bản chức ra giải tán cuộc họp phi pháp này và… Mọi người đều đứng xúm cả lại, ồn ào át cả tiếng ông Lãnh. Ông Huấn phải xua tay ra hiệu giữ im lặng, ông Lãnh cũng chột dạ, đổi giọng dịu dàng hơn: – Việc các thầy làm là nghĩa khí, hợp tình, nhưng trái lý, không tuân pháp lệnh nước nhà. Vậy ai đứng ra mời cuộc họp này? – Bẩm quan lớn, tôi ạ, tôi Huấn đạo Thọ Xương###Ông Lãnh binh cười, nói tiếp giọng nghiêm trở lại: – A! Thế mời quan Huấn đi với tôi. Còn các người khác đi về, ra ngay để bản chức khỏi phải cho lính vào đuổi###Ông Lãnh đưa mắt sai một người lính đi đến bên ông Huấn, sẵn sàng để chộp giữ lấy ông ta. Ở đám đông đang xôn xao bực tức, có tiếng hỏi lên: – Sao quan Lãnh không đi đuổi Tây lại đi đuổi chúng tôi? Ông Huấn đạo lanh trí, biết hơi gai một tí lúc này là có thể gây ra xung đột to tát, bất lợi cho công việc chung, ông liền giơ tay làm hiệu cho mọi người im lặng và nói với vẻ cương quyết: – Các ông hãy bình tĩnh và trật tự ra về để tâm trí lo liệu công việc chung. Tôi đây, tôi sẽ vào trình lên cụ lớn Tổng đốc rõ ý chí của chúng ta. Chí đã quyết thì gươm kề cổ tôi cũng xin nguyện với các ông là tôi không lùi. Thấy việc nghĩa mà không làm là vô dũng. Nhưng chúng ta gà cùng một mẹ mà đá nhau thì mang tiếng chết, có phải không thưa quan lớn Lãnh binh? Ông Huấn tươi cười quay lại hỏi ông Lãnh. Ông này bất đắc dĩ cũng phải nở nụ cười đồng tình. Ông Huấn nói thêm: – Tôi xin tuân mệnh quan lớn###Ông quay lại nói với mọi người: – Chào anh em về nhé! Ông Huấn đạo theo ông Lãnh binh và toán lính đi ra. Mọi người cũng lục tục ra theo, trật tự, im lặng, suy nghĩ trong khi hoàng hôn đang xuống rất nhanh, tô thẫm những lùm cây, mái ngói, tường rêu ở khu Văn Miếu rộng bao la, thăm thẳm đã yên tĩnh, lại càng như lắng xuống yên tĩnh, trầm lặng thêm với những đắn đo suy tính thầm lặng của những con người đang lặng lẽ từ nơi cửa thánh đi ra. Ngày và đêm bắt đầu giằng co trên khoảng trời yên tĩnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*