“Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực, chứ không phải là tên cơ hội”.
GS. HÀ VĂN TẤN
(Lịch sử, Sự thật & Sử học, 1999, tr. 15)
Sau năm 1975, một vài người Việt Nam ở nước ngoài tìm cách “minh oan” cho một số nhân vật từng phục vụ các thế lực nước ngoài xâm lược và thống trị Việt Nam.
Mấy năm gần đây, một số người trong nước cũng làm chuyện tương tự. Điển hình là một phó giáo sư đã viết trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, cơ quan chính thức của Viện Sử học Việt Nam : “Hoàng Cao Khải là một nhân vật lịch sử có vấn đề. Vấn đề của ông cần được nghiên cứu để có thể có những nhận định rạch ròi và xác đáng…Cuộc đời của ông, có thể nói, đặt ra những câu hỏi cần giải đáp để đảm bảo được sự công bằng trong lịch sử”[1]
Mục đích của chúng tôi là cùng bạn đọc trong và ngoài nước xác định chỗ đứng của Hoàng Cao Khải trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Việc đề cập tới bài báo nói trên là điều bất đắc dĩ, do đó chúng tôi thấy không cần thiết nêu tên tác giả của bài báo ấy
Mấy dòng trích dẫn trên đây hàm ý rằng hiện nay chưa có những nhận định rạch ròi, xác đáng và công bằng về nhân vật họ Hoàng. Do đó, trước hết chúng ta cần biết
HOÀNG CAO KHẢI LÀ AI ?
Ở làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, có hai nhân vật cùng thời, cùng nổi tiếng.
Người thứ nhất là Phan Đình Phùng (1847- 1895), đỗ đình nguyên tiến sĩ (1877), làm ngự sử ở Viện Đô Sát. Sau khi thực dân Pháp chiếm kinh thành Huế (1885), ông dựng cờ khởi nghĩa ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Vua Hàm Nghi cử ông làm Hiệp thống quân vụ, chỉ huy nghĩa quân ở ba tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình. Được nhân dân ủng hộ, nghĩa quân lập nhiều chiến công. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn, từ lấy tiền tài chức tước mua chuộc đến đào mồ mả tổ tiên, bắt giam người thân của ông, nhưng tất cả đều không thể khuất phục nhà yêu nước họ Phan. Ông bị thương trong một trận đánh và sau đó qua đời khi mới 48 tuổi. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) ca ngợi ông: “Từ khi Pháp lấy nước ta, đã có biết bao vị anh hùng cứu quốc đứng ra chống với quân thù: …Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến…”[2]
Người thứ hai cũng nổi tiếng, nhưng theo chiều ngược lại : Hoàng Cao Khải (1850 – 1933). Sau khi đậu kỳ thi Hương năm 1868, “ở nhà nhàn cư vô sự, cờ bạc chơi bời, đến đổi bán hết gia viên điền sản, chỉ còn một nước tự tử đến nơi, họ Hoàng bỏ nhà đi ra Bắc Hà”[3]. Với bằng cử nhân, Khải được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương rồi giáo thụ phủ Hoài Đức.
Ngày 25-4-1882, thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn nghĩa. Sau đó, Pháp đánh nống ra các tỉnh khác của Bắc Kỳ.
Các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Pháp xua quân đi đánh nhưng không thể dập tắt ngọn lửa kháng chiến của nhân dân Bắc Kỳ. Chúng nghĩ tới việc áp dụng ở Bắc Kỳ thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt” mà trước đó chúng đã thi hành ở Nam Kỳ và Trung Kỳ với những Việt gian khét tiếng như Trần Bá Lộc, Huỳnh Tấn, Nguyễn Thân…
Hoàng Cao Khải tự nguyện theo giúp quân xâm lược, rất được Pháp tin dùng. Ông được cử làm tiễu phủ sứ, phụ trách “dẹp loạn” ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Sau đó, ông được thăng chức tổng đốc Hải Yên (liên tỉnh Hải Dương – Quảng Yên); đến năm 1889, ông leo lên địa vị cao nhất xứ Bắc Kỳ: kinh lược sứ, được Pháp gọi là “phó vương Bắc Kỳ” (vice–roi du Tonkin), một chức quan không hề có trong sử sách Việt Nam. Việc này được De Lanessan (làm toàn quyền Đông Dương từ 21-4-1891 đến 29-12-1894) nhắc tới trong cuốn “Công cuộc thuộc địa hoá ở Đông Dương” (La colonisation française en Indochine): “Thấy tuyệt vọng không thể bình định được vùng đồng bằng [Bắc Kỳ] bằng những đội quân chính quy và những đội dân vệ mà lúc đó quân số cũng đã lên 8 000 người, viên toàn quyền tạm quyền [François Bideau] và viên thống sứ [Eusèbe Parreau] đã tổ chức, với những dân vệ và những lính cơ dưới quyền của vị kinh lược [Hoàng Cao Khải] và vài vị quan, những “đội quân cảnh sát” hành động trong các tỉnh bị rối loạn nhất, đặc biệt là ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội…”[4].
Trong báo cáo ngày 27-3-1889, thống sứ Bắc Kỳ Eusèbe Parreau cũng viết : “Cần có biện pháp mới, nghĩa là phải làm sao cho dân bản xứ chống lại nhau.Tôi đã giao nhiệm vụ này cho tổng đốc Hoàng Cao Khải, viên quan rất có nghị lực và đầy tham vọng” 5 . Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, thi hành chủ trương của Pháp, “Hoàng Cao Khải thành lập một lực lượng [gồm] 400 lính tình nguyện lấy trong số những lính khố đỏ cũ và 500 vệ binh dân sự do các công sứ cung cấp. Lực lượng này đi ngang dọc khắp nơi ở Bãi Sậy, có khi đụng độ với những nhóm kháng chiến chính yếu, nhưng thường là hành động theo chiều sâu, trên cơ sở những tin tức tình báo, do đó bắt được nhiều người và thường là hành quyết ngay…” 6. Phối hợp với quân viễn chinh Pháp, “đội quân cảnh sát” của Khải mở các cuộc hành quân càn quét vào những khu căn cứ của nghĩa quân (Bãi Sậy ở Hưng Yên, Hai Sông ở Hải Dương…), bao vây dài ngày để cắt đứt việc tiếp tế lương thực, chém giết bừa bãi nhằm khủng bố dân chúng để họ không dám giúp đỡ nghĩa quân. Nghĩa quân ở các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Ở Trung Kỳ, Pháp đánh mãi mà không đàn áp được cuộc khởi nghĩa Hương Khê, nên tháng 11-1894 toàn quyền De Lanessan sai Hoàng Cao Khải lấy danh nghĩa đồng hương và có quan hệ thông gia để viết thư dụ Phan Đình Phùng. Trong thư, Khải khẳng định việc Pháp cướp nước ta là điều không thể xoay đổi (“Sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức kém trí khôn cũng đều trả lời không được”), do đó kháng chiến giành lại độc lập chỉ làm cho “quê hương điêu đứng xiêu tàn” (“Nếu như ngài cứ khăng khăng làm tràn tới mãi thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều biến thành hồ cá hết thảy”) và như thế có lỗi với dân (“Dân ta có tội gì mà vướng phải nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai?”). Khải ca ngợi “nhà nước Bảo hộ khoan dung biết dường nào!”, khoe “với quan toàn quyền vốn có tình quen biết nhau lâu; lại có quan khâm sứ ở kinh [đô] và quan công sứ Nghệ Tĩnh cùng tôi quen thân, hiệp ý nhau lắm” nên đã từng “bảo toàn” cho người “ra thú” được “yên ổn vô sự” 7
Phan Đình Phùng viết thư khước từ, đồng thời nói với người đưa thư: “Tôi thề quyết làm việc tôi làm đây tới cùng, dầu sấm sét búa rìu cũng không làm sao cho tôi thay lòng đổi chí được. Anh về nói dùm cho Hoàng Cao [Khải] biết như thế” 8. Khải cho dịch thư của Phan Đình Phùng ra chữ Pháp, gửi kèm theo báo cáo lên toàn quyền De Lanessan: “Bổn chức đã lấy hết sự thế lợi hại để tỏ bày khuyên nhủ Phan Đình Phùng ra hàng thú, nhưng y vẫn tỏ ý hôn mê bất ngộ (mê mẩn tối tăm, không tỉnh). Giờ xin Chánh phủ Bảo hộ vì dân [!] mà dùng binh lực tiễu trừ cho hết văn thân loạn phỉ” 9. Hành động của Khải bị người dân Nghệ – Tĩnh – Bình phê phán trong bài vè “Vè quan Đình” (tức đình nguyên Phan Đình Phùng):
Thua cơ, Tây phải cầu hoà
Sai Hoàng Cao Khải tiến thơ thuyết hàng
Quan Đình sắt đá bền gan
Lòng trung bạch nhật minh quang chẳng dời
Hoàng Cao nói chẳng đắt lời
Lại xui Tây tặc phải thời tiến binh
Sao không biết hổ với mình?10
Ngày 27-12-1896, Paul Doumer được cử làm toàn quyền mới của Đông Dương. Hơn nửa năm sau, để thực hiện chủ trương trực trị đối với Bắc Kỳ, Pháp bãi bỏ chức kinh lược, chuyển toàn bộ quyền hành vào tay viên thống sứ Pháp. Khải được điều động vào Huế, làm phụ chính đại thần, cố vấn đặc biệt cho vua Thành Thái (lúc đó mới 18 tuổi), có chân trong Viện Cơ mật, thượng thư Bộ Binh. Năm 1903, Khải về hưu với hàm thái tử thái phó, Văn Minh Điện đại học sĩ, tước Duyên Mậu quận công.
NGƯỜI CÙNG THỜI NGHĨ GÌ?
Hoàng Cao Khải và Nguyễn Thân là một cặp bài trùng đặc biệt: cả hai đều ra làm tay sai cho xâm lược Pháp khá sớm, cùng được cử làm Tiễu phủ sứ (Khải ở Bắc Kỳ, Thân ở Trung Kỳ), cùng về Huế làm phụ chính đại thần, cố vấn cho vua, thượng thư (Khải giữ Bộ Binh, Thân giữ Bộ Lại), cùng nổi tiếng tàn bạo… và cùng về hưu năm 1903. Vì vậy, người cùng thời thường có nhận định chung về cả hai ông. Chẳng hạn, có câu ca dao :
Hỏi ai bán nươc buôn dân,
Ấy Hoàng Cao Khải – Nguyễn Thân một phường 11
hay bài “Vè quan Đình”:
Hoàng Cao nhục nhã đã xong
Nguyễn Thân đâu cũng vào vòng khuyển nô
Lại cùng Tây tặc mưu mô
Người Nam lại phá cơ đồ người Nam 12
Trong một bài báo viết năm 1913 (hai mươi năm trước khi Khải chết), phó bảng Phan Châu Trinh nhận xét: “Phàm người Việt mà đi làm tôi tớ cho người Pháp đều là bọn tham bỉ mất lương tâm, quỳ lạy giống khác, xẻo thịt đồng bào, không bằng cầm thú… Hai người ấy [Khải và Thân] đành bỏ tất cả liêm sỉ danh tiết một người đời, đem hết tâm huyết tài lực giết hại đồng bào để cầu được công với người Pháp, chẳng qua là chỉ thèm thuồng ba chữ “có quyền thế” đó thôi…” 13
Tám năm trước đó, giải nguyên Phan Bội Châu trong cuốn Việt Nam vong sử quốc gọi Khải và Thân là những “người Việt làm chó săn” cho xâm lược Pháp, đó là “những tên côn đồ vô nghĩa vô hạnh, mặt khỉ ruột lợn (…) mà người Việt bình nhật rất ghét”. “Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân hết sức vì người Pháp giết hại người Việt, đi giúp dị chủng để tàn hại đồng chủng”, “hai tên này đàn áp cách mạng rất đắc lực” (14)
Năm 1913, từ Quảng Đông, Phan Bội Châu cử một số hội viên Việt Nam Quang phục hội về nước tìm cách tiêu diệt một số quan chức thực dân chóp bu và Việt gian đầu sỏ. Theo giáo sư sử học người Mỹ David Marr, trong số đó có Hoàng Cao Khải (15).
Ngay khi Khải còn sống, con cháu đang làm quan lớn 16, nắm nhiều quyền lực trong tay, người cùng thời vẫn không ngại đả kích ông.
Chẳng hạn, khi Khải mở tiệc mừng thọ, có người làm thơ đăng báo, trong đó có hai câu:
Con cái một nhà hai tổng đốc
Pháp Nam hai nước một công thần 17
Một lần khác, có người vịnh Thái Hà ấp của vị phó vương Bắc Kỳ:
Thái ấp mây mờ, cỏ lẫn rêu
Pháp Nam trung tín cả hai triều 18
Giữa lúc Pháp đang xâm lược và thống trị nước Nam, còn gì mỉa mai bằng khen Khải là “công thần” “trung tín” cho cả hai bên!
Một nhà nho đả kích thói ăn của đút lót của Khải:
Nay hạt Hà Đông còn biếu lợn
Mai dân Nam Định lại dâng bò
(Vịnh Hoàng Cao Khải) 1
Có kẻ nịnh bợ dựng bia “ghi công” Khải, liền bị một nhà thơ phê phán:
Hai chữ “vong quân” bia tạc chửa?
Sao không biết thẹn với non sông! 20
Ngoài ra còn nhiều giai thoại kể chuyện tam nguyên Nguyễn Khuyến, nhà thơ Tản Đà… làm thơ, câu đối châm biếm Khải 21
“KHÔNG BỊ VẠCH TỘI ÁC” (?!)
Khi đọc câu “Vấn đề của ông [Hoàng Cao Khải] cần được nghiên cứu để có thể có những nhận định rạch ròi và xác đáng” 1, người đọc cứ ngỡ vị phó giáo sư (dưới đây viết tắt là PGS) đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và phát hiện nhiều điều mới khiến ông muốn mọi người thay đổi nhận định về nhân vật lịch sử có vấn đề này. Người đọc hết sức thất vọng trước những chữ “chưa” và “không” của PGS:
“Hiện nay, chưa phát hiện được một chi tiết, tài liệu nào”
“Chưa sưu tầm được tài liệu đầy đủ và cụ thể”
“Nhiều hiện tượng chưa được biết rõ”
“Không rõ trong thâm tâm của ông như thế nào?”
“Những thành tích “dẹp loạn” của ông chỉ được biết trên đại thể, chứ không thấy nêu rõ ở một trận đánh hay một mưu mẹo nào”
“Vào lúc đó, có nhiều vị quan đã có biệt nhãn đối với những người làm quốc sự (…). Hoàng Cao Khải có thuộc vào loại này không? Không rõ” 1
Thừa nhận “không thấy”, “không rõ” nhưng PGS vẫn mạnh dạn khẳng định là “không có”, “không bị”:
“Mặc nhiên quần chúng đã xem ông là tay sai đắc lực của bọn thực dân, mặc dầu ông không có những hành động điên cuồng, độc ác như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc”.
“Thơ ca châm biếm đả kích ông khá nhiều. Tuy nhiên, có điều lạ là trong loại thơ ca này, không có bài nào vạch rõ được tội ác hay khuyết điểm cụ thể của ông”
“Hoàng Cao Khải bị quy là tay sai đắc lực cỡ chóp bu của thực dân, nhưng người ta chỉ nghi ngờ ông, chứ ông không bị bất bình, không bị vạch tội ác” 1
Người đọc có cảm tưởng PGS không chịu khó tìm đọc các sách, báo về Hoàng Cao Khải của các tác giả Việt Nam và nước ngoài, mà chỉ viết theo cảm tính chủ quan.
Ở đoạn trước, nhà sử học Pháp Philippe Devillers cho biết: Hoàng Cao Khải đã “bắt được nhiều người [những nghĩa quân yêu nước] và thường là hành quyết ngay” 22 , không cần xét xử. Trong báo cáo đã dẫn, thống sứ Parreau cũng viết : Đầu tháng 3-1889, Hoàng Cao Khải tiến hành “một trận đánh vang dội khắp vùng làm cho quân nổi loạn hoang mang, nhiều tên tướng bị bắt và Hoàng Cao Khải đã xử tử ngay lập tức. Hơn thế, Hoàng Cao Khải không để cho quân nổi loạn kịp hoàn hồn. Thám tử của ông tỏa đi khắp nơi, bắt giữ những kẻ tình nghi, hễ có dấu hiệu thông đồng với giặc thì xử chém ngay tức khắc (…). Hàng loạt tên nổi loạn bị xử tử, làng Phù Đổng theo giặc bị đốt sạch” 23 . Toàn quyền De Lanessan xác nhận điều đó: Binh lính dưới sự chỉ huy của Hoàng Cao Khải “đã có những hành động tàn bạo đến mức không chịu được. Tôi có thể nêu lên một cái huyện trong tỉnh Hà Nội, trong 15 ngày, người ta đã chặt đầu 75 kỳ hào bởi vì họ không thể hay không muốn (…) chỉ ra một bọn bất lương [tức nghĩa quân] đi theo con đường nào sau khi đã đi qua những làng của họ” 24. Trong bức thư đề ngày 16-10-1891, trung úy Pháp Fernand Bernard viết về Hoàng Cao Khải: “Ông ta chặt 1800 đầu trong 3 tháng, nhưng ông ta đã thu được những tin tình báo quý báu đã giúp chộp được những tên cướp [tức nghĩa quân] và gặt hái được một số lượng lớn súng ống”25
Nhờ sự tiếp tay của các Việt gian,
thực dân Pháp tù đày và chém đầu nhiều người yêu nước
Chỉ cần vài trăm người dân Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) bị lính Mỹ thảm sát đã khiến dư luận trong và ngoài nước xúc động sâu sắc. Thế mà hàng nghìn đồng bào Việt Nam bị Hoàng Cao Khải chặt đầu không hề lay động được trái tim PGS, nên ông vẫn mạnh dạn khẳng định Hoàng Cao Khải “không có những hành động điên cuồng, độc ác như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc”, vẫn không chịu thừa nhận Hoàng Cao Khải đã gây ra “tội ác” 1 ?! Những hành động của Hoàng Cao Khải – mà chính toàn quyền Pháp cũng phải thừa nhận là “tàn bạo đến mức không tin được” 26 – là những sự thật hiển nhiên, chứ không phải do “quần chúng đã xem”, đã “nghi ngờ” hay đã “quy” cho Hoàng Cao Khải, như PGS viết 1. Nói một cách tổng quát, các hành động của Hoàng Cao Khải đã cấu thành tội ác chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân.
Hoàng Cao Khải tự nguyện làm “tôi tớ”, “chó săn” (chữ của cụ Phan Bội Châu dùng 12) cho quân cướp nước, nên bị người cùng thời khinh bỉ, bị hậu thế lên án. Không biết đứng trên nhân sinh quan nào mà PGS lại cho Khải “đã tiến lên tột đỉnh vinh quang”? 1 Phải chăng cái “vinh” mà PGS thưởng cho Khải là cái “vinh” trong “mãi quốc cầu vinh” ?
PGS khen: “Khi phụ trách Nha kinh lược Bắc Kỳ (tháng 6-1886), Hoàng Cao Khải đã tỏ ra là có tài về mặt điều hành chính trị”. Nha kinh lược vốn là cơ quan đại diện triều đình Huế tại Bắc Kỳ. Nhưng đến thời Khải làm kinh lược sứ, Pháp ngày càng khống chế cơ quan này đến độ “Nha kinh lược không phải chịu sự kiểm soát của triều đình Huế” 1 nữa, mà chỉ biết làm theo lệnh của viên thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ. “Như vậy, qua Hoàng Cao Khải, thực dân Pháp đã nắm toàn bộ Bắc Kỳ” 1. PGS kết luận: “Ông trở thành người cầm đầu xứ Bắc, trực tiếp dưới quyền người Pháp” 1. Thật nghịch lý khi “người cầm đầu” lại nằm “dưới quyền” của người khác. Sẽ hợp lô-gíc hơn nếu PGS viết: thống sứ Pháp là người cầm đầu, còn Khải chỉ là người cầm…đuôi! “Tài về mặt điều hành chính trị” – mà PGS khen Khải – chẳng qua chỉ là tài…tuân lệnh ngoại bang để đè đầu cưỡi cổ đồng bào.
PGS khen cuốn Việt sử yếu (bằng chữ Hán) của Khải. PGS thú nhận “không rõ sau khi viết xong (năm 1914), tác giả đã cho nó được lưu hành như thế nào” mà hầu như chẳng người Việt Nam nào biết đến nó. Tuy vậy, PGS vẫn hết lời khen nó là “một công trình sử học, một tài liệu có giá trị cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà”, “cũng đáng được coi là một đóng góp đáng quý”1
Không rõ PGS có biết Việt Nam sử yếu của Hoàng Cao Khải đăng trên Đông Dương tạp chí (từ số 2 đến số 21) hay không? Tác phẩm này đã được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Tập Việt Nam sử yếu của Hoàng Cao Khải chỉ là một tập bổ quốc sử, mọi việc chép rất sơ lược, phần nhiều là những việc của một triều đại, phụ thêm những chương nói về danh tướng, danh nho, quan chế, binh chế, khoa cử, còn vẫn không làm sao biết rõ được những việc trong dân gian. Chép lối như thế là xếp việc nọ vào gần việc kia và nối bằng những lời nghị luận rất sơ sài, chứ không phải cái lối vừa chép vừa đứng vào địa vị khách quan mà đặt lấy những dây liên lạc theo nhân quả thuyết” 27. Việt Nam sử yếu và Việt sử yếu là hai “anh em ruột”, ra đời trước sau 1 năm (1914 và 1915), chất lượng của chúng sàn sàn nhau mà thôi, lẽ nào một bên bị đánh giá thấp, còn bên kia được khen lấy khen để ?
Thử xem một trang Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải viết như thế nào.
Các bộ sử cũ (như Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn) xem nhà Triệu là một triều đại chính thống của Việt Nam. Đến thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ là nhà sử học đầu tiên chứng minh Triệu Đà không phải là người Việt Nam, mà chính là kẻ đã xâm lăng nước Âu Lạc, biến nước ta thành thuộc quận của nước Nam Việt bên Tàu. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ viết: “Đất Việt [ở] Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt [ở] Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam”[5]. Thế nhưng, sang thế kỷ XX, Hoàng Cao Khải vẫn “khẳng định Triệu Đà là con người dẫn đầu ở Việt Nam xây dựng nền độc lập”1, lặp lại một sai lầm cũ đã được đính chính. Vậy mà PGS vẫn cứ khen Việt sử yếu “đã bổ sung cho kho tàng sử sách Việt Nam một tài liệu mới [!]”, có “những nhận định độc đáo, khác với nhiều người”.1
Không chỉ khen Khải có tài, PGS còn quả quyết Khải có công nữa!
Chả là, để thưởng công hãn mã của Khải, ngoài việc thưởng Bắc Đẩu bội tinh, năm 1893 thực dân Pháp cấp cho ông một vùng đất khá rộng (nay thuộc quận Đống Đa) để ông lập một trang ấp (đặt tên là Thái Hà ấp). Tại đây, Khải cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc nguy nga như dinh thự, lăng mộ v.v… Chuyện chỉ có vậy, nhưng dưới mắt PGS, “trong khi làm kinh lược sứ Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải cũng có những việc làm đóng góp nhất định cho đất Thăng Long”: đó là “Hoàng Cao Khải chọn được vùng đất vốn còn hoang vu, có nhiều đầm ao sình lầy ở địa bàn này để tạo lập thành một trang ấp ngày càng trù phú. Có thể đây cũng là thêm một nét đẹp trong lịch sử xây dựng đô thành Thăng Long” ! 1
Một số công trình kiến trúc trong Thái Hà ấp
Có một đoạn PGS trích dẫn Phan Bội Châu viết về Hoàng Cao Khải như sau: Phan Bội Châu “có nhắc đến Hoàng Cao Khải là người vẫn có “nhất điểm linh đài”, “còn một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là là nước của tổ tông cha mẹ, còn biết Việt Nam là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi” và Phan Bội Châu vẫn hy vọng sự “hồi tâm” của Hoàng Cao Khải” [6]. So sánh đoạn trên với nguyên văn bản dịch Việt Nam vong quốc sử: “Thử xem những kẻ rất nghèo hèn đê tiện, như đi ở bán hàng, làm thuê cho phường thịt, cũng còn có một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là nước của tổ tông cha mẹ, còn biết Việt Nam là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi; huống chi [Nguyễn] Thân và [Hoàng Cao] Khải kia?” 29 người đọc sẽ thấy chủ ngữ của “còn có”, “còn biết”, “không nỡ trông thấy” là “những kẻ rất nghèo hèn đê tiện”, chứ không phải là “Hoàng Cao Khải” như PGS muốn cho người đọc hiểu lầm. Trích dẫn mà cố tình làm sai lạc ý nghĩa của nguyên tác là điều tối kỵ đối với những nhà nghiên cứu biết tôn trọng sự liêm khiết về trí tuệ.
“SAO KHÔNG BIẾT HỔ…”
Khi Hoàng Cao Khải còn sống, có một nhà nho giỏi nghề nịnh bợ, đề nghị thờ “cụ Hoàng” tại đền Trung liệt (ở Hà Nội) bên cạnh các nhà yêu nước chống Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… Hay tin ấy, nhà thơ Phan Điện (1874-1945, người cùng làng Tùng Ảnh với Khải) phản đối:
… Thờ bên trung trực, bên gian nịnh
Thế cũng đền đài, cũng miếu hương.
Thơm thối lẫn nhau mùi tắt họng
Ngọt ngào đầu miệng lưỡi không xương.
Nhà nho lại có thằng nào đó
Luồn cúi vào ra bợ cụ Hoàng? 30
Thì ra không phải chỉ có nhà nho đầu thế kỷ XX mới “bợ cụ Hoàng” !
Những câu hỏi trong bài “Vè quan Đình” không phải chỉ đặt ra cho cử nhân – quận công họ Hoàng mà thôi:
Sao không biết hổ với mình?
Hỏi rằng chức tước hiển vinh nổi gì?
Mang danh khoa mục làm chi?
Câu chuyện vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng.
Nguyễn thị Đông Thái
Bên dòng sông La (Hà Tĩnh), mùa sen nở 2009.
Nguồn sưu tầm: https://giaodiemonline.com/2009/11/hoangcaokhai.htm
———————————————————————————————————————————————-
1. PGS………, “Việt sử yếu và tác giả của nó”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5 (385), 2008, tr. 72-79.
2. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập VII, tr.149.
3. Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1950, tr.168. Quyển Phan Đình Phùng xuất bản lần đầu tiên ở Hải Phòng năm 1936, chỉ 3 năm sau khi Hoàng Cao Khải chết. Do đó, chi tiết nêu trên phải tuyệt đối chính xác; nếu không, thực dân Pháp và “con cái một nhà hai tổng đốc” của họ Hoàng sẽ không để tác giả yên.
4, 6, 22, 24, 25, 26. Philippe Devillers, Người Pháp và người Annam bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.493, 511, 512.
5, 23 Nguyễn Phan Quang, Việt Nam cận đại – những sử liệu mới, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh,1995, tr.126, 126
7, 8, 9. Đao Trinh Nhất, sđd, tr. 169, 171, 172, 173, 177
10, 12, 20. Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900), Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr. 536, 562, 563.
11. Nguyễn Sinh Duy, Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nặng, 1996, tr. 183
13.Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr. 636
14, 29 Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, Nxb Thuận Hóa, 1990, tập II, tr. 130, 155, 156
15. David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism 1885-1925, Đại hoc California xuất bản, Berkeley (Mỹ), 1971, tr. 220
16. Hai con trai của Khải đều làm tổng đốc (Hoàng Trọng Phu tổng đốc Hà Đông, Hoàng Mạnh Trí tổng đốc Nam Định).. Hoàng Gia Mô, cháu nội của Khải, lam2 tri huyện Vĩnh Bảo. Trong cuộc khởi nghĩa năm 1930 do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, nghĩa quân Việt Nam Quốc dân đảng xử tử Mô rồi quăng xa1x xuống sông Cầu Mục (15-2-1930)
17. Tạp chí Nam Phong (Hà Nội) số 22, tháng 4-1919
18. Lãng Nhân, Chơi chữ, Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1963, tr.179
19. Vũ Ngọc Khánh, Thơ văn trào phúng Việt Nam từ thế kỷ XIII dến 1945, Nxb Văn học, Hà Nội, 1974, tr. 279
21. Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988; Thái Bạch, Giai thoại văn chương Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 1994 v.v…
27. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tập I, tr. 183
28. Ngô Thời Sĩ, Việt sử tiêu án, Nxb Thanh niên, thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 29
30. Văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), Nxb Văn học, Hà Noi65i, 1976, tr. 617-618.
Để lại một phản hồi