Mỗi lần nhắc tới nhân vật lịch sử Hoàng Cao Khải người ta thường cứ bị ám ảnh bởi một thành kiến cố hữu nặng nề của dư luận đang bao phủ lên cả sự nghiệp của ông ta: Nào là tên tay sai của Pháp, đi theo Pháp để đàn áp các cuộc nổi dậy của phong trào cứu nước!; Nào là tự nguyện ra làm việc cho Pháp, cam tâm làm nô lệ để bán nước, hại dân! v.v… Thế rồi mọi sự phán xét đánh giá vai trò lịch sử của ông ta thường bị thiên lệch! Người ta quá coi trọng những hành động về chính trị và quân sự ấy mà phần nào xem nhẹ những công lao của ông ta trong các hoạt động về văn hóa, xã hội! Hoặc giả có được nói đến cùng chỉ co tính chất vớt vát mà thôi! thậm chí có người còn muốn phủ nhận đi tất cả nữa là khác!
Phải chăng Hoàng Cao Khải đi giúp Pháp là cốt để tàn sát đồng bào? phải chăng ông ta ra làm quan cho Pháp để có được quyền cao chức trọng mà vinh thân phì gia? Phải chăng những sự việc đó là mục đích lập thân của ông ta?.v.v..
Hoàng Cao Khải, từ hồi đầu lúc còn làm quan ở Huế, đã được chứng kiến sự đổ nát của triều đình: Vua thì yếu hèn, bất lực, các quan lại thì cổ hủ, chia bè chia phái, đố kỵ nhau, dèm pha nhau, chống đối nhau! Các nhóm văn thân lộng quyền thao túng triều thần!v.v… Nguyễn Hữu Độ (bố vợ vua Đồng Khánh) không ăn cánh với họ, thấy không thể sống nổi ở Huế đã rủ Hoàng Cao Khải kéo nhau ra Bắc để lập nghiệp…
Khải cũng đã từng phải sống trong cảnh đất nước loạn lạc,chiến tranh liên miền: Cuộc chiến đấu với sự xâm lược của Pháp cứ bị thất bại hết đợt này đến đợt khác làm cho đời sống của dân chúng điêu đứng, lầm than! Cả xã hội đang trên đà xuống dốc thật thảm hại!…
Thế rồi những năm về sống ở Thọ Xương (làm Huấn đạo và tri huyện Thọ Xương), ở sát cạnh Hà Nội, Khải đã có nhiều dịp tiếp xúc với người Pháp, đã tận mắt trông thấy nếp sống văn minh, lịch sự của người Pháp, Khải đã phần nào bị lóa mắt trước nền văn minh của phương Tây mà nẩy nở ra nhiều mơ ước: Mong muốn sau này sự hợp tác với Pháp sẽ có cơ hội để cải tổ lại đất nước, sẽ học tập được nền văn minh của Âu Tây mà canh tân đất nước tươi sáng hơn, giàu mạnh hơn để có thể theo kịp con đường tiến hóa chung của thế giới!.v.v..
Ngay từ buổi đầu khi Hoàng Cao Khải được Nguyễn Hữu Độ tiến cử đưa ra trình diện với Pháp, người Pháp đã nhận xét: “Khải là một thanh niên thông minh, năng động, cương quyết và có nhiều tham vong!”. Vậy những tham vọng ấy là gì? Hoàng Cao Khải mong muốn được hợp tác với Pháp để cải tổ đất nước. Khải có nhiều dự kiến muốn canh tân đất nước và đặt nhiều hy vọng vào sự bảo hộ của Pháp để có cơ hội thực hiện những đề án ấy…
Lúc bấy giờ Khải chưa nhận thức được âm mưu thực dân của Đế quốc! Vì buổi đầu Pháp cũng chỉ mới dương cao chiêu bài “bảo hộ” chứ chưa để lộ ra những kế hoạch thực dân của họ.
Một viện sĩ người Pháp De Brieux trong chuyến qua thăm Đông Dương, có dịp hội kiến với Khải, lúc về nước, trong bài viết của ông ta về chuyến đi ấy, đã nhận định: “Hoàng Cao Khải có ý dựa vào chính quyền bảo hộ Pháp để từng bước tự cường dân tộc và hy vọng một lúc nào đó sẽ được Pháp trao trả quyền tự trị như Canada và Úc” (1)
Tên phó sứ Pháp trong bản báo cáo gửi bản lược dịch cuốn “Nam sử kinh” của Hoàng Cao Khải lên công sứ duyệt cũng có nhấn mạnh một câu: “la nécessité pour les Annamites de s’appuyer sur nous pour poursuivre leun évolution.” (sự cần thiết của dân Annam muốn dựa vào chúng ta (Pháp) để theo đuổi công cuộc tiến hóa của họ)v.v…
Để thực hiện được cái gọi là “tham vọng ấy” Khải đã giúp Pháp nhanh chóng dập tắt các cuộc nổi dậy, vì có chấm dứt được chiến cuộc, đất nước có hòa bình mới có điều kiện để chấn chỉnh lại được. Khải ra làm việc đắc lực cho Pháp, mong được Pháp tin dùng, trao cho nhiều chức quyền, có nhiều quyền lực mới có cơ hội để thực hiện những đề án cải tổ đất nước được… Những kế hoạch này của Khải chỉ là những bước đi có tính chất chiến lược mà thôi chứ đâu phải là mục đích lập thân của Khải! Nếu chỉ dựa vào những sự việc ban đầu ấy thôi mà đánh giá toàn bộ sự nghiệp của ông ta thì e rằng không trúng! Hoàng Cao Khải chỉ giúp Pháp đi đánh dẹp trong vòng 5 năm đầu (từ 1884 đến 1889) sau đó về ngồi giữ chức kinh lược ở Hà Nội, không trực tiếp đem quân đi đánh nữa, có tham gia chiến sự nữa cũng chỉ là làm tham mưu cho Pháp mà thôi! Việc tham gia đánh dẹp của Khải cũng rất khôn ngoan, có nhiều điều bí ẩn trong đó chứ không quá tàn bạo như kiểu Nguyễn Thân đối với các tỉnh ở Miền Trung, nên vẫn tranh thủ được cảm tình của nhân dân địa phương (những việc này sẽ được nói cụ thể hơn trong một bài viết sau).
Hoàng Cao Khải ra làm quan cho Pháp chỉ mong chờ có cơ hội mà canh tân đất nước. Nhưng rồi mấy năm đầu cứ phải đi đánh dẹp liên miên hết nơi này đến nơi khác, nên mãi đến khi về nhậm chức kinh lược Bắc Kỳ ông ta mới có dịp để tiến hành những chủ trương cải tổ đất nước của mình. Bước đầu Khải đã cho thực hiện một số việc như là:
– Cải tổ lại nha kinh lược lúc bấy giờ đã quá cồng kềnh và bệ rạc! ông ta sàng lọc lại cán bộ, giảm nhẹ biên chế và tổ chức lại cách thức làm việc cho năng động hơn và có hiệu quả hơn;
– Khải vận động toàn quyền cho thành lập trường Hậu bổ, giao cho Hoàng Trọng Phu phụ trách để đào tạo một hệ thống quan lại tân học chuẩn bị thay thế dần số quan lại cũ đã quá lỗi thời, kém tác dụng;
– Khải còn giúp Công sứ Hà Đông soạn nghị định và bộ máy quản lý hành chính các cấp xuống tận cấp xã. v.v…
Nhìn chung, những hoạt động của Khải trong lĩnh vực này còn bị nhiều hạn chế nên chưa tiến hành được bao nhiêu, một mặt vì mọi việc điều hành chính trị ở Miền Bắc đang chuyển dần vào tay bộ máy hành chính của chính quyền bảo hộ Pháp mà chính quyền Nam Triều chỉ thừa hành phối hợp mà thôi! Mặt khác vai trò của Khải vẫn chưa được tự do quyết định mọi việc, vẫn phải chịu sự kiềm chế của Triều đình Huế! Do đó trong sử sách cũng ít thấy nói đến những hoạt động này của Khải!
Hoàng Cao Khải tập trung nhiều công sức vào những hoạt động văn hóa và xã hội là những lĩnh vực ông ta có nhiều điều kiện hơn:
Muốn canh tân đất nước thì trước hết là phải lo đến việc nâng cao dân trí và cải thiện dân sinh để đưa dân chúng thoát ra khỏi cảnh lầm than, mê muội!
Để nâng cao dân trí, điều quan trọng nhất theo Khải là phải cho nhân dân học quốc sử. “Dân trí ta chưa được khai thông một ngày là vì dân ta không có cái học quốc sử!” “đọc quốc sử là một việc làm cấp bách của nhân dân ta ngày nay”(2)… Điều này Khải đã có nhiều lúc trăn trở lo âu ngay từ hồi còn làm Huấn đạo Thọ Xương Và Giáo Thụ Hoài Đức, trông thấy chương trình học của nước nhà lúc bấy giờ quá chú trọng về việc học Bắc sử (lịch sử nước Tàu), mà coi nhẹ việc học quốc sử khiến cho “linh hồn của dân ta tự nhiên bị đổi đời trí não của dân ta tự nhiên bị bưng bít mà không hề biết”(2) rồi sinh ra tâm lý tự ty dân tộc!
Phải có một cuốn sách sử nước nhà cho nhân dân học. Những bộ quốc sử hiện có lúc bấy giờ như “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, “Lịch triều hiến chương” của Phan Huy Chú, và “khâm định Việt sử” của Phan Thanh Giản v.v… đều quá đồ sộ (mỗi bộ đều trên 3,4 chục quyển), lại rất uyên bác không thích hợp với nhu cầu hiểu biết của quảng đại quần chúng nhân dân! Do đó Khải đã phải tự mình biên soạn lại một cuốn sử khác gọn nhẹ hơn, có tính chất phổ thông cho nhân dân học.
Hoàng Cao Khải đã lần lượt cho ra đời 3 bộ quốc sử : “Việt sử yếu” bằng chữ hán, “Nam sử diễn âm” diễn nôm theo thể văn xuôi và “Nam sử quốc âm” cũng viết bằng chữ nôm Hoàng Cao Khải đã dựa vào sử liệu của các bộ sử cũ đã nói ở trên để cải biên, lược “bỏ bớt những điều huyền bí, khó hiểu và sắp xếp thu gọn lại những sự việc cho thích đáng, hợp lý”(3) đặc biệt là tác giả đã “thêm vào những lời phê bình phán đoán để cố làm thế nào cho các độc giả dễ hiểu rõ nguyên nhân thịnh suy của mỗi triều đại…” (trích lời đề tựa của tác giả). Cuốn “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải mang tính chất là một cuốn sách giáo khoa về sử học nước nhà rất bổ ích cho người đọc. Nội dung cuốn sách tuy còn sơ lược nhưng đã được tác giả cố gắng biên soạn theo những quan điểm tương đối tiến bộ so với đương thời như là: – ghi chép lịch sử không phải chỉ là biên niên sao chép những sự kiện sinh hoạt trong cung đình mà còn phải đề cập đến những vấn đề quốc kế, dân sinh trong xã hội nữa; – viết sử không phải chỉ chú ý đến sự nghiệp của các vua chúa và các danh tướng mà còn phải tôn vinh các danh nhân như danh nho, danh y v.v… của đất nước nữa; – việc bình sử phải đứng trên quan điểm lấy lợi ích của nhân dân làm chuẩn đích để đánh giá các sự kiện lịch sử v.v… Bài đề tựa của tác giả đầu cuốn sách cũng có thể xem như là những lời tâm huyết của Hoàng Cao Khải muốn bày tỏ với mọi người về ý thức tự tôn dân tộc và lòng yêu nước thương dân của mình.
Ngoài việc viết sử để mở mang trí tuệ cho nhân dân, Hoàng Cao Khải còn dựa vào những câu chuyện trong lịch sử viết lên những tài liệu có tính chất giáo huấn để dạy cho nhân dân cái đạo lý làm người, cố gắng giữ vững những lễ giáo phong kiến: “Việt Nam nhân thần giám” nêu gương những người làm bề tôi ở nước Nam. – “Làm con phải hiếu” truyền những người con có hiếu
– “Đàn bà nước Nam” ca ngợi những người đàn bà nổi tiếng ở nước Nam v.v..
Cuốn sách “Nam sử kinh” của Hoàng Cao Khải viết bằng chữ Hán, sau được dịch ra tiếng Việt và tiếng Pháp để xuất bản năm 1910 được lưu hành rộng rãi trong nước. Trong đó tác giả nêu lên những tấm gương lịch sử về các chế độ cai trị trên đất nước, biểu lộ một sự quan tâm sâu sắc của tác giả đối với vận mệnh và tiền đồ của đất nước với những ngôn từ rất xúc động khiến cho Phan Chu Trinh một sĩ phu yêu nước, khi đọc nó đã dấy lên nhiều cảm xúc: trong đó với nhìn sự nhớ nay xưa, xét việc đã qua biết điều sắp tới về tiền đồ thành bại, mất còn của Tổ quốc chúng ta một lời ca thán ba lần thở dài, trước sự chỉ dẫn ra con đường mê lộ của người nước ta, chưa từng không lưu ý đến nhiều lần như vậy. Qua đó Trịnh biết là tướng công tuy cấp lưu dũng thoái, vui thú điền viên, mắt thờ ơ nhưng lòng nóng hổi chưa từng có một ngày quên Tổ quốc” (4). 66 …
Hoàng Cao Khải là người rất ham thích thơ văn. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ, làm nhiều câu đối, viết nhiều bài văn bia để ca ngợi đất nước, tôn vinh những anh hùng dân tộc . Trong tập thơ “Vịnh sử nam” của ông có nhiều bài đạt trình độ nghệ thuật điêu luyện được : re hai truyền rộng rãi, và đã được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở các trường phổ thông (như bài “Vịnh Trưng Vương,” bài “nàng My Ê”…)
Khải đã cho tổ chức nhiều cuộc thi thơ thu hút sự hưởng ứng của nhiều văn nhân, nho sĩ đương thời do Khải đứng ra chủ trì, tuyển chọn và khen thưởng (thi vịnh cảnh văn miếu Hưng Yên, thi vịnh cảnh đổi mới nha Kinh lược v.v..); Khải cũng đã cho sưu tập lại những bài thơ văn hay trong các khoa thi cử để lưu lại thành các tập kỷ yếu do Khải chủ biên và viết lời đề tựa (như “Giai văn tập ký” “Long tuyển thí sách”, “Quốc triều Hương khoa lục” Hoàng Cao Khải còn tổ chức cho biểu diễn tuồng mà chính ông ta là người tự mình biên soạn kịch bản và đạo diễn các vở tuồng: “Tây nam đắc bằng”, “Tượng kỳ khí xa”, “trung hiếu thần tiên” v.v.. của Khải biên soạn để ca ngợi những sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà, tuy nội dung chưa được hay lắm nhưng nó cũng đã đánh dấu một bước cải tiến mới trong nghệ thuật tuồng cổ nước nhà. Tác giả đã có công du nhập nghệ thuật tuồng của Miền Nam trung bộ đem ra Bắc, cải biên theo thị hiếu của dân Bắc tạo thành một loại “tuồng Bắc” góp phần làm giàu thêm kho tàng tuồng cổ của dân tộc.
Với những hoạt động văn hóa trên đây, Hoàng Cao Khải đã để lại trong kho tàng văn học nước nhà một di sản khá phong phú và đa dạng với nhiều tác phẩm đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị của nó. Đọc lại những tác phẩm ấy, chúng ta thấy trong đó toát lên một tấm lòng yêu nước thương dân rất sâu nặng! Lẽ nào tác giả của nó lại là kẻ cam tâm, bán nước hại dân được! Lỗ Tấn một nhà đại văn hào Trung quốc đã từng nhận định “một tác phẩm hay không thể là sản phẩm của một tác giả tồi được! Nhà sử học Chương Thâu khi đọc tập thơ “Vịnh sử của Hoàng Cao Khải cũng đã ca ngợi: “Phải nói thực rằng đó là những bài thơ được nhất trí tôn vinh…người không có tài thơ, không có học thức cao, không thể viết được những bài thơ hay như vậy. Và điều đặc biệt là các ý tứ trong ngôn ngữ các bài thơ không thể là lời lẽ của một người giả dối hay vô tâm, vô tình với đất nước” thiết tưởng với khối lượng đồ sộ của những di sản văn hóa này, Chúng ta cũng đã có thể xếp Hoàng Cao Khải vào hàng ngũ những danh nhân văn hóa của đất nước trong những năm đầu thế kỷ 20 một cách rất xứng đáng.
Một hoạt động nữa mà Hoàng Cao Khải rất quan tâm đến là việc trùng tu sửa chữa các đền chùa miếu mạo. Đi đến đâu Khải cũng rất chú ý đến vấn đề này. Hồi còn làm tuần phủ Hưng Yên Khải đã cho xây dựng lại nhà văn miếu của tỉnh rồi tổ chức làm thơ để ca ngợi (hiện còn lưu lại tập thơ “tinh thần chúc bổ ca văn” trong viện Hán nôm Hà Nội). Khi về giữ chức kinh lược ở Hà Nội, Khải đã cho sửa chữa lại Trấn Vũ quán (đền Trấn Võ) và đền thờ Trần Hưng Đạo và viết văn bia để ca ngợi công đức.
Sau khi cải tạo xong ấp Thái Hà, Khải đã cho di chuyển miếu Trung Liệt ở sinh từ Yxs đem về xây dựng lại ở gò Đống Đa và đổi tên là miếu Trung Lương để mở rộng điện thờ thêm cả những lương tướng nữa (việc này không được dư luận tán thành nên sau vẫn giữ tên là miếu Trung Liệt).
Năm 1894, nhân khi đi tiễn chân toàn quyền De lanessan về nước, Khải đã có dịp đến viếng Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông ) rồi xin phép toàn quyền cho dựng một nhà bia để tưởng nhớ công trạng của Lê Tướng Công. Trong bài văn bia có đoạn viết: “xưa nay anh hùng hào kiệt sinh vào thời loạn lạc gió mưa sấm chớp, đem hết trí dũng lập được công nghiệp; Khi sống thì thân mình vinh hiển, khi chết thì để lại danh thơm. Dù sau này thời thế có đổi thay thì tiếng anh hùng vẫn còn hiển hách mãi…” (lời dịch của Lê Việt Dũng).
Năm 1909 Khải nhân lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, đến Yết Bái tổ miếu, thấy cảnh miếu đổ nát mới thương lượng với chính phủ cấp tiền tu sửa lại. Tu sửa xong Khải đích thân đứng ra làm chủ lễ khánh thành và làm công văn xin bộ lễ ấn định ngày Quốc thế hàng năm (ngày giổ tổ mùng 10/3 Âm lịch) (trong bia ở Đền Hùng (bia số 2 và số 3) còn ghi chép lại việc này)…
Với những hoạt động này Hoàng Cao Khải tỏ ra rất quan tâm tôn trọng những phong tục lễ nghi thờ cúng của nhân dân. Khải rất tôn sùng Đạo Nho, ông lấy Đạo Nho làm quốc giáo để chỉnh đốn lòng người, để chấn chỉnh lại kỹ cương của đất nước mà trong thời chiến tranh vừa qua mọi thứ đã suy sụp và bị đảo lộn nhiều!
Hoàng Cao Khải thành lập ấp Thái Hà. Về việc đó có người đã nghĩ rằng: Ông ta lập ấp là muốn chiếm đất của nhân dân để xây dựng dinh cơ và lăng mộ cho gia đình mình! Cũng không đúng hẳn như thế đâu! vì với quyền lực trong tay của Khải lúc bấy giờ, muốn xây dựng dinh cơ, trên địa bàn Hà Nội còn bao nhiêu đầm đất đẹp bỏ trống sao ông ta không lấy lại đi tìm đến một vùng đất hoang phế phải mất công cải tạo nhiều? Vả lại vùng đất sau được cải tạo xong, Khải chỉ giữ lại 1/4 cho gia đình, phần lớn còn lại Khải đã nhường lại cho các quan về xây dựng tư thất, rồi vận động nhân dân các nơi về tái định cư ở đấy để sinh sống và canh tác trên những ruộng đất đã được nâng cấp.
Việc làm này cũng nằm trong kế hoạch cải thiện dân sinh của Khải: với một tầm mắt nhìn xa trông rộng, Khải muốn cải tạo khu đất này để mở rộng thêm địa bàn cư dân cho Hà Nội. Hoàng Cao Khải đã tiến hành làm việc này một cách hợp pháp hợp tình và hợp lý nghĩa . là đã được toàn quyền cho phép và tài trợ và được nhân dân tự nguyện hiến đất chứ đâu phải là ngang nhiên chiếm đoạt!
Từ một vùng đầm lầy hoang phế bao nhiêu năm, ấp Thái Hà đã dần dần trở thành một khu dân cư cao ráo, đông vui và giờ đây đã là một khu phố khang trang sầm uất của quận Đống Đa nằm trong vùng trung tâm của Thủ đô, Được thừa hưởng cái thành quả đó chúng ta không nên quên công lao của những người xưa kia đã cải tạo nên nó.
Còn một việc nữa chúng ta cần nói đến là Hoàng Cao Khải cũng rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế cho đất nước:
– Khải đi kinh lý Đà Lạt, thấy vùng này có đất đai và khí hậu rất thích hợp cho việc trồng rau quả, ông đã vận động toàn quyền cho phép di dân miền Miền Bắc lên đấy để tổ chức các trại trồng rau.
– Khải cũng đã phối hợp với Hoàng Trọng Phu, con trai thứ của Khải lúc bấy giờ đang làm Tổng đốc Hà Đông, cho cử người sang Nhật Bản và sang Trung Quốc học tập kỹ thuật làm sơn mài, kỹ thuật làm đồ sứ và dệt tơ lụa, để về chấn chỉnh lại những ngành tiểu thủ công ấy của nước nhà hiện đang bị mai một dần! Những việc làm này của hai bố con Khải tuy chưa được bao nhiêu nhưng cũng đã xây dựng được những cơ sở ban đầu cho sự phát triển sau này.
Nhìn chung lại, tất cả những việc làm của Hoàng Cao Khải trên đây đều đã ít nhiều đem lại lợi ích cho dân cho nước. Vì thế mà Ngô Đức Kế một chiến sĩ cách mạng bị giam giữ ở Côn đảo, trong một bức thư gửi về cho Phan Chu Trinh ở Mỹ Tho, có nhận định: “Hoàng Cao Khải tuy phần đầu không tốt nhưng phần hai thì không xấu” và khuyên Phan Chu Trinh nên lôi kéo Hoàng theo ý tưởng Duy Tân vì trong tương lai có thể sẽ cần “một người cầm đầu thật vững”…(6).
Cái mà Ngô Đức Kế gọi là “phần hai” phải chăng là sự nghiệp muốn canh tân đất nước của Khải?
Hồ Chủ Tịch khi nói về Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh v.v… có nhận định trong thời pháp thuộc có những người làm việc cho Tây mà công việc của họ đem lại lợi ích cho dân cho nước thì họ cũng là những người yêu nước, “yêu nước theo cái cách của họ!” (7) vậy Hoàng Cao Khải tuy làm việc cho Pháp nhưng sự nghiệp canh tân đất nước của ông ta như đã nói ở trên đây đều đã đem lại lợi ích cho dân cho nước…phải chăng đó cũng là yêu nước theo cái cách riêng của ông ta?
Mong rằng rồi đây trong việc phán xét để đánh giá lại sự nghiệp của Hoàng Cao Khải sẽ có sự cân nhắc xem đâu là công, đâu là tội? Bên nào nặng hơn? để có thể đi đến những kết luận thỏa đáng hơn.
Thành Chi-30/4/2012
(1)(6) Theo lời trích dẫn trong lời nói về HCK của Phạm Văn Ánh ở cuốn từ điển văn học (bộ mới)
(2)(3) Trích lời đề tựa của HCK ở cuốn “Việt sử yếu”
(4) Theo trích dẫn của Chương Thâu trong bài giới thiệu cuốn sách “Việt Sử yếu”
(5) Trích lời nhận xét của Chương Thâu trong bài giới thiệu cuốn “ViệtSử yếu”
(7) Từ dùng của Hồ Chủ Tịch.
Để lại một phản hồi