Những hoạt động canh tân đất nước của Hoàng Cao Khải-Một nghiên cứu của Thành Chi

Ảnh: Trường Hậu Bổ Hà Nội ngày nay là trường THCS Ngô Sĩ Liên.

 

Những hoạt động canh tân đất nước của Hoàng Cao Khải

Ngay từ buổi đầu mới tiếp xúc với Hoàng Cao Khải người Pháp đã nhận xét “đây là một thanh niên thông minh, năng động và có nhiều tham vọng”. “Có nhiều tham vọng” ở đây có nghĩa là có nhiều dự án, nhiều kế hoạch muốn canh tân đất nước, chỉ mong chờ có cơ hội để thi thố tài năng. Thế nhưng từ ngày ra làm việc cho Pháp, Khải cứ phải đem quân đi đánh dẹp liên miên khắp nơi nên mọi kế hoạch đành phải tạm gác lại để chờ cơ hội.
Mãi đến khi được điều về Hà Nội chính thức giữ chức Kinh lược sứ Bắc Kỷ thay thế Nguyễn Hữu Độ, Khải mới bắt đầu có điều kiện để thực hiện những chủ trương của minh.

Một số hoạt động về chính trị
Trước hết Khải thấy phải cải tổ bộ máy hành chính của nước nhà cho phù hợp với thời đại mới. Bộ máy cai trị của nước nhà từ trong triều đình cho đến các địa phương bấy lâu trong tình cảnh của đất nước lâm vào chiến tranh, khủng hoảng về chính trị đã trở nên quá bê bối. Hệ thống quan lại phần lớn là các nhà nho sĩ cổ hủ, thụ cựu lại thành kiến với ngoại bang, không chịu học hỏi đổi mới nên rất lạc hậu so với thời cuộc, cần phải được chỉnh đốn lại. Khải đã lấy việc cải tổ Nha Kinh lược làm thí điểm vì đây cũng là một cơ quan đại diện cho triều đình Huế được tổ chức ở Hà Nội để hợp tác với Chính phủ Pháp. Nha Kinh lược trước khi Khải về nhậm chức, là một cơ quan quá cồng kềnh, bệ rạc, làm việc trì trệ kém năng suất. Khải đã cho sàng lọc cắt giảm biên chế đi gần một nửa rồi chỉnh đốn lại cơ cấu, tổ chức lại cách thức điều hành nên không khí làm việc của Nha đã hưng phấn hơn, năng động hơn và có hiệu quả hơn.
Trước cảnh đổi mới ấy Khải đã tổ chức một cuộc thi làm thơ ca ngợi. 20 bài thơ và 16 bài phú trúng thưởng đã được tập hợp lại thành một tập “Kinh lược nha văn tập” (tài liệu này hiện còn được lưu giữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội với mã số 1768 trong thư mục).
Với chức danh “Phó vương Bắc Kỳ” Khải đã có quyền xử lý mọi việc trên đất Bắc không cần phải tham khảo ý kiến của Triều đình Huế nữa, nên Khải đã tự ý thuyên chuyển, thay thế hoặc bổ nhiệm một số quan chức ở các tỉnh để đem tay chân thân thuộc của mình vào giữ những vị trí quan trọng làm cho vây cánh của Khải ngày càng mạnh và thanh thế của Khải ngày càng lớn.
Hoàng Trọng Phu (con trai của Khải) đi học ở Pháp, tốt nghiệp trường thuộc địa Phương Đông của Pháp (EFEO), về nước được bổ nhiệm vào ngạch Tham tri (1898) mới 29 tuổi đã trở thành một nhân vật quan trọng trong nền hành chính đất Bắc. Năm 1891 Hoàng Cao Khải vận động Pháp cho thành lập trường Hậu Bổ ở Hà Nội, giao cho Hoàng Trọng Phu vừa làm Hiệu trưởng vừa giảng dạy để đào tạo một hệ thống quan lại tân học chuẩn bị thay thế dần những quan chức cũ đã lỗi thời.
Năm về làm Tổng đốc Hà Đông Khải còn soạn thảo giúp Công sứ Pháp một nghị định về bộ máy quản lý xuống tận cấp xã. Hoàng Cao Khải không những là một tướng giỏi có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh dẹp, mà còn tỏ ra là người có tài trong việc điều hành chính trị. Ông ta đã có nhiều chủ trương tuy táo bạo nhưng lại phù hợp với yêu cầu của chính quyền Bảo hộ nên đều được Pháp ủng hộ. Năm 1902 theo lời đề nghị của Bộ trưởng Công tác Đối ngoại.

Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh phong cho Hoàng Cao Khải làm sĩ quan cao cấp của quân đoàn danh dự (grand officier de la Legion’d’ Honneur) và tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Croix de la légion d’ honneur), một loại huân chương cao quý của nước Pháp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*