Trên Tờ “Văn Học Tuần San” (S.G., 1936)
Chỉ vừa mới đây, nhở Thư viện quốc gia Pháp đưa lên mạng Gallica.bnf.fr., tôi mới tìm đọc được tuần báo “Văn học tuần san”. Tờ này ra số đầu tiên tại Huế (Tòa soạn 37 Quai Đông Ba, Huế, số ra ngày 16.9.1933); sau chuyển vào Sài Gòn (120 đại lộ Some), ra tiếp từ số 4 (?). Người sáng lập là Lê Cương Phụng; ấn bản tại Sài Gòn, giám đốc là Hoàng Tân Dân, Quản lý: Lê Cương Phụng, Nguyễn Thế Phương, Lê Văn Tiếng; đóng cửa sau số 32 (tháng 7. 1937).
Tôi chỉ mới mở đọc được một vài số, nhận thấy đây là một ấn phẩm thông tin phê bình văn học thuộc thời kỳ 1930-1945 của văn học Việt Nam, nhưng hầu như giới nghiên cứu hậu thế (từ những năm 1960 đến nay) chưa tiếp cận tìm hiểu, đánh giá.
Giữa những bài thông tin hoặc phê bình thường thường bậc trung, tôi bắt gặp bài viết của Đào Trinh Nhất tự Quán Chi (1900-1951) viết về nhân vật-tác gia Hoàng Cao Khải (1850-1933), một bài chân dung hay về chủ kiến đánh giá nhân vật, cũng thật hay về văn chương phê bình. Tôi nghĩ có thể xem bài này như một trong những trứ tác sớm của thể tài chân dung văn học trong văn chương quốc ngữ tiếng Việt, thời 1930-1945.
Rất vui là khi tôi gửi bản đánh máy cho anh Nguyễn Huệ Chi nhờ anh kiểm định ngôn từ câu đối chữ Hán, Nguyễn Huệ Chi cũng khen bài viết hay, và giúp sửa một số chữ dùng có chữ Hán trong văn bản. Xin cảm ơn anh Huệ Chi và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần.
LẠI NGUYÊN ÂN sưu tầm, giới thiệu.
KHÍ PHÁCH VĂN CHƯƠNG CỦA HOÀNG CAO KHẢI
Quán Chi
Mai sau, có ai viết một bộ “Việt Nam chánh trị sử” về hồi Pháp-Việt mới bắt đầu gặp nhau, đối với Hoàng Cao Khải sẽ phán đoán ra sao và để ông ta vào địa vị nào, tôi không biết sao mà nói trước. Nhưng nếu có ai biên chép một bộ “Việt Nam văn học sử” nói về cái lịch trình tấn hóa của quốc văn trong khoảng 50 năm trở lại đây, tôi biết tất nhiên phải để Hoàng Cao Khải vào một địa vị xứng đáng với bực tiên phong tiền tấn ở trên văn đàn nước nhà.
Cái đời của họ Hoàng gần tám chục năm, có thể phân làm hai đoạn tách bạch khác hẳn nhau mà đoạn nào cũng hiển hách; đoạn trước là đời chánh trị, đoạn sau là đời văn chương. Tôi muốn nói họ Hoàng về đoạn sau đó.
Người Tây phương nói văn tức là người (Le style, c’ est l’ homme) cũng như cổ nhơn Trung Quốc nói thi để tỏ chí (Thi ngôn chí); trong khi nhớ lại văn chương của họ Hoàng, tôi thấy hai cái kiến giải trên đây đúng lắm. Thiệt vậy, thi văn của ổng, ngoài ra sự uyên bác lão luyện, có cái khí phách khác thường. Mà khí phách ấy bày tỏ ra có nhiều hình sắc; lúc thì phóng khoáng cao kỳ, rõ ràng khẩu khí một người hào kiệt do thời thế tạo lên đi tới chót đường, leo tới đảnh núi rồi, nhưng ngó mông ra biển rộng mây xa, trong trí còn muốn bay nhảy hơn nữa; trái lại, có lúc thì bi ca cảm khái cuộc đời, trong ngôn từ phát ra như lời thở than, như oán như mộ, lại ngụ có những ý tứ trào phúng rất kín đáo, phẫn khích rất chua cay. Ai đọc văn chương của ông, cứ nghiệm kỹ mà xem, bất cứ một đoạn văn xuôi, một câu tuồng hát, một đôi liễn, một bài thi, chỗ nào cũng thấy ký ngụ tâm tình, chứa chan khí phách, càng đọc càng khiến cho người ta thấy rõ câu văn của ông ta viết ra ở đây, nhưng mà kỳ thiệt ý tứ cốt ở chỗ khác.
Hoàng Cao Khải, người làng Đông Thái tỉnh Hà Tĩnh là một làng xưa nay đã đẻ ra lắm bực hiển hoạn nguy khoa. Cụ Phan Đình Phùng cũng là người làng đó. Thuở nhỏ hai người cùng là bạn chơi bạn học với nhau. Về sau thời thế xô đẩy mỗi người đi một hướng khác hẳn. Hoàng ra phò tá chánh phủ Bảo hộ, Phan thì chống cự chánh phủ Bảo hộ, mỗi người đi con đường nào cũng oanh liệt và ghi dấu tích rõ ràng lại cho hậu nhơn biết trước kia có mình đi qua.
Các bực cố lão sanh ra đồng thời, nói chuyện lại rằng: Hoàng Cao Khải đậu cử nhơn vào giữa hồi thời cuộc Trung Bắc lưỡng kỳ bắt đầu đa sự, nhà không giàu có gì mà tánh lại hay chơi, sau lúc đậu rồi, ngày đêm chỉ túng tinh về thinh sắc, cờ bạc, ai không biết, tưởng là con người vô tâm với thế sự với công danh. Nhưng kỳ thiệt là người có hoài bão lớn, và có cặp mắt tinh anh, biết rằng thời thế nước ta lúc bấy giờ, Bắc Hà chính là chỗ lợi tiện cho anh hùng có thể dụng võ lập công danh, cho nên Hoàng lần mò ra Hà Nội, làm mạc khách của ông Nguyễn Hữu Độ, Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Thấy người có mưu xa tài lớn, ông Độ tấn cử với chánh phủ Bảo hộ bổ dụng họ Hoàng làm Tri huyện Thọ Xương đem quân đi tiễu phủ những nghĩa binh nổi lên ở đất Bắc thuở đó như ông Phan. Trên con đường công danh hiển hách, Hoàng cất bước ra đi từ đó.
Người ta nói Hoàng không có tài dùng binh khiển tướng gì nhưng thật là người có mưu cơ đại lược, lại nhờ có thời vận giúp sức vào, cho nên Hoàng lấy trận mạc lập công danh, gặp toàn những sự may mắn. Tuy có lắm phen bị nghĩa binh theo rượt, Hoàng ngồi trên mình voi chạy bán sống bán chết, thế mà rốt cuộc lại đám nghĩa bình nào Hoàng cũng dẹp xong, hoặc là phá tan sào huyệt, hoặc là chiêu dụ quy hàng, nhờ vậy mà lập được nhiều công trận oai danh, trên hoạn lộ bước tới rất là nhẹ nhàng mau chóng. Thoắt lên chức Tổng đốc, thoắt về trào làm Thượng thơ, lại thoắt ra làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ, rồi thì quan hàm lên tới Văn minh điện Đại học sĩ, tước vị được phong tới Duyên mậu quận công; thật là làm quan tột bực, lừng danh một thời. Tiếc vì Nguyễn trào từ xưa không có lệ phong vương, nếu có thì Hoàng Cao Khải được phong tới vương tước rồi.
Cái đời chánh trị của họ Hoàng đại khái như thế, là vì không phải chủ ý của bài này, cho nên không cần nói nhiều. Đây chỉ cốt nói về đời văn chương mà thôi. Lúc đời chánh trị của họ Hoàng kết thúc tức là lúc đời văn chương bắt đầu.
Sau khi hưu quan trí sĩ rồi, không về ở cố hương là làng Đông Thái, chắc vì sự văn thân chí sĩ ở khoảng Lam thủy Hồng sơn bất dung, Hoàng ở ngay một cái ấp tự mình tạo ra gần kề Hà Nội gọi là ấp Thái Hà. Tại đây dựng lên dinh thự rất là nguy nga đồ sộ, cổng ngoài là hai cây trụ lớn, khắc câu liễn bằng chữ Hán như vầy, ký ngụ không biết bao nhiêu cái khí phách tự phu:
Thập niên dư xu phủ hoạnh trù, phát bạch tâm đan, ưu ái bất vong thiên hạ kế
十 年 餘 樞 府 横 籌, 髮白 心 丹 憂 愛 不 忘 天 下 計
Thiên lý ngoại hưu đình tạm trúc, Nhĩ hồng Tản bích, giang san trùng hỉ chủ nhơn quy
千 里 外 休 亭 暫 築, 洱 紅 傘 碧 江 山 重 喜 主人 歸
Tôi (muốn) dịch là:
“Trên mười năm gánh việc trào đình, tóc bạc lòng son, lo nghĩ chỉ vì thiên hạ cả;
Ngoài ngàn dặm tạm hưu tân ấp, Nhĩ hồng Tản biếc, non sông mừng được chủ nhơn về” (1)
Hai hàng chữ này, văn hay chẳng nói làm gì, chỉ kể về tư tưởng, độc giả thử ngẫm nghĩ xem chứa chan khí phách tự đại tự cao, phơi bày ra ở ngay trên vách tường nét mực. Nhứt là 11 chữ sau hết, tuy bề ngoài chỉ như khẩu khí ngông nghinh thường thấy ở một hạng nhà nho, một bực quan lớn, vậy thôi, nhưng ai có hiểu qua những chỗ sở hành sở chí của họ Hoàng, mới biết là có ngụ một cái thâm ý gớm lắm. Phân ninh họ Hoàng cho non sông Nhĩ hà Tản viên là non sông của mình, mình là chủ nhơn non sông ấy, cho nên ngày nay thấy mình hưu quan trở về mà nó vui mừng. Hèn chi có người ta nói họ Hoàng có lúc ngấm ngầm ôm giữ một cái lập chí muốn lợi dụng thời cơ, xoay đổi cuộc diện để làm vua riêng một cõi Bắc Hà, đại khái như kiểu Ngô Tam Quế ở Vân Nam hồi Mãn Thanh mới vô chiếm cứ Trung Quốc vậy. Mặc dầu miệng tiếng thiên hạ nói họ Hoàng có cái xa vọng như thế là thiệt hay hư, chớ thiệt lúc làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ, ông ta tự tôn tự đại, tác phước tác oai, không khác gì vua bao nhiêu, thì người Pháp lúc ấy chẳng tặng cho ông cái tôn hiệu là Bắc Kỳ Phó vương (vice-roi de Tonkin) đó chi.
Trên kia đã nói cái đời của họ Hoàng tách riêng ra hai đoạn, đoạn trên là cái đời chánh trị, đoạn dưới là đời văn chương, mà đoạn nào cũng là oanh liệt cao kỳ, vượt đời khác chúng hết thảy.
Thiệt vậy, sau khi treo ấn về hưu, ở tại ấp Thái Hà, sớm tối họ Hoàng kết bạn với sách vở văn chương một cách nồng nàn thân thiết. Người ta nói chung quanh chỗ ngồi của ổng ròng sách là sách. Hồi đó là hồi Nhựt-Nga chiến tranh vừa xong, phong trào tân học tân thơ của đám Khang Lương bên Tàu nổi lên bồng bột, các cụ nhà nho ta phần nhiều được cảm hóa kích thích, cũng nghiên cứu tân thơ tân học rầm rột nhưng vẫn còn chuyên trọng về Hán văn, chớ chưa biết lợi dụng quốc văn bao nhiêu. Trừ ra mấy bài đăng ở Đại Việt tân báo, mấy khúc thi ca của Đông Kinh nghĩa thục, và mấy bài diễn văn bằng tiếng An Nam của ông Nguyễn Văn Vĩnh, quốc văn còn ở cái địa vị bị khinh thị, chưa có mấy nhà thức thời, học giả biết lợi dụng nó để làm sách truyền bá những học thuật tư tưởng. Ấy chính giữa lúc đó ông Hoàng Cao Khải ngồi cặm cụi ngâm thơ đặt ra, soạn tuồng chép sử toàn bằng quốc ngữ.
Tác phẩm họ Hoàng kể ra cũng nghèo, quanh quẩn đâu có năm ba cuốn, tôi nhớ, tuồng hát thì có tuồng Tây Nam đắc bằng, diễn lại hồi đức Gia Long nhờ thầy Bá-đa-lộc viện người Pháp qua đánh Tây Sơn giúp mình; sách giáo khoa thì có Gương sử Nam, ghi chép công nghiệp chi tiết của các bực danh nhơn nước nhà xưa nay, còn sử ký thì có cuốn Bổ quốc sử, viết theo lối vừa ký sự vừa phê bình. Tuy là tác phẩm nghèo thiệt, nhưng mà cuốn nào cũng hay. Té ra họ Hoàng không những học giỏi văn hay về Hán tự mà thôi, lại có tài riêng công khó về quốc văn nữa.
Ai đối với họ Hoàng về mặt chánh trị có cái quan niệm không tốt sao đó mặc lòng, nhưng đến quốc văn tác phẩm của họ Hoàng, tôi chắc ai xem cũng phải ngợi khen kính phục ngay.
Văn họ Hoàng thiệt có một vẻ riêng một điệu riêng, mà cái đặc sắc là rõ ràng, cứng cỏi, giản dị, gọn gàng. Tài nhứt là lối văn viết sử, thiệt có sử bút đại gia, viết có trật tự, có hệ thống lắm: mỗi việc hệ trọng trong lịch sử khéo lựa chọn viết riêng ra một đoạn, một bài, gọn gàng mà tóm tắt đầy đủ những chỗ người ta nên biết, lối văn cứng như đanh thép, mà chỗ quan sát cao kỳ hơn cả người ta. Dưới mỗi sự tích có một bài thi tổng vịnh, chính là một bài phê bình bằng thi, bài nào cũng có âm vận hùng hồn, ý tứ sâu sắc. Tuy là những bài vịnh sử hồi xưa, nhưng kỳ thiệt trong những bài vịnh sử đó nghe rung động cái tiếng kêu gọi cảm khái về cuộc đời hiện tại, và chính họ Hoàng có cái thâm ý mượn tích trong sử để gởi gắm tâm tình ý khí của mình. Tôi nói văn họ Hoàng có khí phách, là ở chỗ đó.
Ví dụ vịnh sử sự tích Trọng Thủy – Mỵ Châu mà có những câu:
Hòa thân trót đã lầm hai chữ
Ân oán gây ra đủ mọi điều
…………………………………….
……………………………………
Ai ơi thời thế xem cho kỹ:
Thành tín bao nhiêu dối bấy nhiêu
Chắc ai cũng phải đồng ý với tôi mà nói rằng thuở nay chưa thấy có sử gia danh sĩ nào vịnh sử đến sự tích nầy mà có cái ý kiến mới lạ về chỗ “ngoại giao khi trá” như thế. Mấy câu thống thiết đó, chắc là tác giả có cảm khái về một chuyện bất như ý gì trong thời cuộc bang giao cuả nước mình và giữa ngay đời mình mà phát ra, chớ không phải chỉ chuyên về sự tích Mỵ Châu – Trọng Thủy đâu.
Cũng như về sự tích vua Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành để lấy thêm đất hai châu Ô, Lý cho nước mình, đến khi được đất vào trong tay rồi lập kế bắt công chúa về làm cho người Chiêm Thành “mất chì lẫn chài” trơ mắt nhìn nhau: họ Hoàng phê bình việc này chắc có cảm khái về thời sự, nên có hai câu kết luận thiết tha như vầy:
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn trông nhau một lũ hời !
Thiệt đến lúc non sông chia xé, đất nước hao mòn, mà lũ Hời kia ngơ ngẩn trông nhau, coi có cảnh tượng nào bi thương cho bằng! Nếu không phải một tay thợ văn có khí phách và có cảm khái làm sao, thì quyết là không phát ra một cái kiến giải thế ấy được.
Không nhớ chắc về năm nào, hình như vào khoảng 1915 hay 1916 lối đó, họ Hoàng mở ra một cuộc đấu xảo các thứ hoa thơm bông lạ, gọi là “Long Biên ái hoa hội” và lấy ngay tên ấy làm đề đấu thi. Các hưu quan danh sĩ làm thi hay thiếu gì, nhưng không có ai tài thích thực ra cảnh Long Biên ái hoa hội cho bằng hai câu nầy của họ Hoàng, vì thấy không ai ngụ ý tả rõ ra được nên mình ngụ ý làm chơi:
Vun xới nhành lê và gốc lý
Đua nhau màu trắng lẫn da vàng
Ai cũng biết Long Biên là kinh đô của nhà Lý nhà Trần nhà Lê ngày xưa mà đây khéo đem ra để chỉ tên hai loài cây, mà giải thích chữ Long Biên thật tài. Câu dưới, có những chữ màu trắng lẫn da vàng, nhưng kỳ thiệt là tả sắc hoa, nhưng cũng là có ngụ ý về thời thế nữa. Tôi không rành về mùi thi, nhưng mà nghe những người rành mùi ai ai nấy đều chịu hai câu trên đây là giai tác.
Đại khái thi văn Hoàng Cao Khải đều có khí phách, có ý vị như mấy câu dẫn chứng đây hết thảy. Tiếc vì giấy mực có hạn, không thể dẫn chứng được nhiều; nếu ai muốn biết rõ hơn, cứ tìm mua mấy cuốn sách họ Hoàng đã soạn mà đọc rồi thử nghiệm coi. Tôi nói văn chương họ Hoàng câu nào hàng nào cũng có khí phách mạnh bạo, mới mẻ, sâu sắc, kín đáo và lại cố ý mượn văn để gởi gắm tâm tình ý khí mình, thiết tưởng không phải lời nói quá đáng vậy.
Người ấy có văn ấy, theo ý riêng tôi, nếu đi ra mà khác như ai, cũng tới chỗ cao xa đáng sợ như đã đi ngả kia./.
Nguồn: Văn học tuần san, Sài Gòn, s. 14 (15 Mars 1936), tr. 15, 18-20
CHÚ THÍCH
(1) Bản in báo Văn học tuần san chỉ có chữ Quốc ngữ, không có chữ Hán. Trong bản in, lời của hai vế câu đối có chỗ in sai, ví dụ “tập đan” (không có nghĩa, phải là “tâm đan” tức lòng son; “tần biếc” (không có nghĩa, phải là “Tản biếc” tức núi Tản xanh).
Cảm ơn anh Nguyễn Huệ Chi đã thẩm định nghĩa và cung cấp bản chữ Hán đôi câu đối này; lời dịch mộc của Nguyễn Huệ Chi: “Hơn mười năm trù hoạch ngang tang nơi trung tâm then chốt, tóc bạc lòng son, niềm ưu ái không hề quên, tính toán kế sách cho thiên hạ / Người mười dặm tạm đắp lên chiếc chòi nghỉ hưu, song Nhĩ Hà đỏ hồng, núi Tản Viên xanh biếc, giang sơn mừng rỡ đón chủ nhân về.
(2) Trong Từ điển văn học, bộ mới, (Nxb. Thế giới, Hanoi, 2004), mục từ HOÀNG CAO KHẢI (do Phạm Văn Ánh viết) như sau:
HOÀNG CAO KHẢI (1850-1933). Quan chức, nhà văn, nhà sử học Việt Nam, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đậu Cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868), từng làm nhiều chức vụ khác nhau; ban đầu làm quan ở các bộ tại Huế, sau đó được bổ ra làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Bấy giờ thực dân Pháp đã xác lập xong nền bảo hộ của mình trên toàn đất Việt, nhưng những cuộc nổi dậy của nhân dân vẫn liên tiếp nổ ra. Trong tình hình ấy, Hoàng Cao Khải tham gia trấn áp các phong trào khởi nghĩa, như: phong trào Bãi Sậy (Hưng Yên, Hải Dương), phong trào Yên Thế (Bắc Giang, Bắc Ninh), được Pháp thăng lên làm Tổng đốc Hải Dương (1888). Hai năm sau (1890), được sung làm Kinh lược ở Bắc Kỳ. 1897, Pháp bãi bỏ Nha Kinh lược để nắm toàn quyền xứ Bắc Kỳ, ông được bổ vào Huế làm Thượng thư Bộ Binh, Phụ chính đại thần triều Thành Thái (1889-1907), Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ, tước Duyên Mậu Quận công; về sau bị nhóm Nguyễn Thân (1840-1914) chèn ép, bèn về hưu tại ấp Thái Hà, Hà Nội.
Hoàng Cao Khải là người có học vấn, nhưng do câu kết với chính quyền thực dân, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nên không được các sĩ phu đương thời tôn trọng. Với danh nghĩa là đồng hương, ông nhiều lần viết thư dụ Phan Đình Phùng ra đầu hàng Chính quyền Bảo hộ, bằng những lời lẽ khá nhún nhường. Trong thư, Hoàng cho rằng hoàn cảnh hiện thời của Phan Đình Phùng “như cưỡi cọp xuống núi, nguy hiểm biết là nhường nào”. Hoàng thừa nhận lòng trung quân của Phan, nhưng cũng khuyên Phan nên sáng suốt và đặc biệt là phải biết “thương dân”; tuy nhiên, trước sau Phan Đình Phùng đều kiên quyết giữ quan điểm của mình. Chừng như trong những bức thư này, Hoàng Cao Khải không hoàn toàn đứng trên tư cách một đại diện của Chính phủ Bảo hộ, mà ít nhiều đã thẳng thắn bày tỏ lập trường cá nhân mình, không tán đồng con đường của Phan Đình Phùng, có thể vì nhận thấy con đường đó không nhiều hứa hẹn. Lê Thị Kinh trong Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (Nxb. Đà Nẵng, 2001) dẫn thư của Ngô Đức Kế từ Côn Đảo gửi Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho khi ông chuẩn bị đi Pháp, đã đánh giá khá cao Hoàng Cao Khải. Ngô Đức Kế cho rằng, Hoàng Cao Khải “tuy phần đầu không tốt, nhưng phần hai thì không xấu”, khuyên Phan Châu Trinh nên lôi kéo Hoàng theo ý tưởng duy tân, vì trong tương lai có thể sẽ cần “một người cầm đầu thật vững”. Trong báo cáo của Lévecque gửi Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, cho biết sau khi ở Nhật Bản trở về, “Phan Châu Trinh có những cuộc gặp gỡ với quan lớn Hoàng Cao Khải và một số nhân vật An Nam khác ở Bắc Kỳ”. Qua những cuộc gặp gỡ này, có thể Phan Châu Trinh đã phần nào thuyết phục được Hoàng Cao Khải chấp nhận phương hướng nhóm Duy tân đưa ra. Cuối năm 1909, Hoàng Cao Khải có cuộc gặp gỡ với Viện sĩ De Brieux khi ông đi thăm Đông Dương. Sau chuyến đi, ông này có viết cuốn Thăm Ấn Độ và Đông Dương, ghi chép đơn sơ của một người du lịch (sách lưu lại Trung tâm lưu trữ hải ngoại – Centre des Archives d’Outre mer, mã số A.947 – theo Lê Thị Kinh), trong đó đề cập đến cuộc gặp gỡ của tác giả với Hoàng Cao Khải. Theo sách này, Hoàng Cao Khải có ý dựa vào chính quyền Bảo hộ Pháp để từng bước tự cường dân tộc, và hy vọng đến một lúc nào đó sẽ được Pháp trao trả quyền tự trị như Canada và nước Úc.
Bên cạnh những hoạt động chính trị, Hoàng Cao Khải cũng chú ý đến các hoạt động văn hóa, như: trùng tu các di tích lịch sử, tổ chức các cuộc thi thơ và bàn luận văn chương (Vịnh đền Trung Liệt, Hà Nội, vịnh Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên), đề tựa một số cuốn sách về khảo cứu và luân lý (Quốc triều Hương khoa lục – Ghi chép các khoa thi Hương triều Nguyễn của Cao Xuân Dục (VNv. 1264), Tây Nam hai mươi tám hiếu diễn ca – Diễn ca hai mươi tám chuyện hiếu của người Tây và người Nam, của Trương Cam Lựu (VNv.62)… Hoàng Cao Khải sáng tác khá phong phú cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi bật là về lịch sử; tiêu biểu có thể kể đến hai cuốn: Việt sử yếu (Toát yếu sử Việt, chữ Hán, VHv. 130) và Nam sử diễn âm (Sử Nam diễn ra quốc âm, chữ Nôm, AB. 482). Việt sử yếu trình bày một cách ngắn gọn về lịch sử Việt Nam, với lối viết mới mẻ, thận trọng trong biên khảo, nêu rõ những tồn nghi và cả những đánh giá có tính thẩm định. Trong sách này, tác giả nêu ra thực trạng của giới trí thức nước nhà vì quá coi trọng Bắc sử nên mù mờ về lịch sử dân tộc. Nam sử diễn âm, là cuốn sử có tính phổ thông, tác giả đề nghị nên gọi nước ta là Việt Nam như cách gọi thời Minh Mạng (1820-40), thay vì cách gọi là An Nam vốn được nước Tàu công nhận từ thời Lý Anh Tông (1137-75), vì “hai chữ An Nam ngụ ý phải thần phục nước Tàu”. Tuy có những vấn đề về quan điểm còn phải bàn, nhưng ở chừng mực nhất định, có thể coi đó là những tài liệu tham khảo bổ ích trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Các sáng tác của Hoàng Cao Khải thường lấy đề tài từ lịch sử, như: Tây nam đắc bằng (Đi về hướng Tây nam gặp được bạn), nói việc Gia Long gặp Bá Đa Lộc, nhờ đưa Hoàng tử Cảnh và quốc thư sang cầu viện nước Pháp; Trung hiếu thần tiên (Thần tiên trung hiếu), nói về Hưng Đạo Vương và những sự kiện lịch sử thời Trần; ngoài ra còn có các truyện lịch sử mang tính giáo dục luân lý phong kiến như: Gương sử Nam, Làm con phải hiếu, Đàn bà Việt Nam… Tuy nhiên, những tác phẩm này chỉ có giá trị nghệ thuật tương đối khiêm tốn. Riêng về thơ ca, thơ Vịnh Nam sử của ông có nhiều bài xuất sắc, đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện và được lưu truyền rộng rãi./.
Lại Nguyên Ân gửi cho viet-studies ngày 29-12-21.
Để lại một phản hồi