Đình Gia Khánh
Đình Gia Khánh thuộc thôn Gia Khánh (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một ngôi đình cổ, có kiến trúc độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Đình Gia Khánh được xây theo hình chữ Công, có đại bái, ống muống và hậu cung. Trước mặt là một ao tròn sâu chừng 10m. Ngoài cùng có bức bình phong đề 3 chữ Hán: “Tất Hữu Hưng” để tránh tà khí và mang ước vọng về sự hưng thịnh, trù phú của làng quê. Cổng đình được xây kiểu tứ trụ, 2 trụ lớn ở giữa, đỉnh trụ có đôi nghê chầu, phần lồng đèn đắp nổi tứ linh, mặt trước cổng có 4 chữ Hán: “Môn ấp Gia Khánh”.
Theo thần phả, đình Gia Khánh thờ 3 vị thành hoàng làng có công với đất nước và dạy nghề cho dân, đó là: Lỗ Ban – ông tổ nghề mộc, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – vị tướng tài nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược (thế kỷ XIII) và Hoàng Cao Khải – vị quan thời nhà Nguyễn, bố của Hoàng Trọng Phu – tổng đốc Hà Đông từng giúp dân làng chia đất đai, ổn định cuộc sống.
Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là dinh-gia-khanh.jpg
Đình Gia Khánh, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín TP.Hà Nội
Nhà đại bái đình Gia Khánh gồm 3 gian 2 chái, lợp ngói vảy cá. Hai bờ nóc có hai con lân cõng vân xoắn, tượng trưng cho bầu trời và sấm chớp. Giữa mái đắp nổi hình lưỡng long tranh châu. Hệ thống cửa bức bàn rất chắc chắn. Các thân xà, bộ vì, cột ở đại bái đều được chạm nổi hình hổ phù hay long cuốn thủy. Các bức cốn chạm nổi thể hiện tích Long mã phù Hà đồ, Thần quy Lạc thư, tứ linh và rồng quấn cột… mang dấu ấn kiến trúc thời nhà Lê.
Chính giữa đình có bức đại tự “Vạn gia sinh Phật” và kiệu bát cống long đình mang dấu ấn của vua. Kiệu được sơn son thếp vàng, hai đòn dọc là hai con rồng. Trên kiệu là long đình có 8 mái, 8 góc là 8 hình rồng tạo cong. Ngoài ra còn có bộ nghi trượng gồm: Mã đao, chùy, long đao, biển cờ lệnh, kích, tàn lọng… Đây là bộ kiệu cổ, quý và đầy đủ nhất.
Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ khác như: Cửa võng, siêu đao, hoành phi, cuốn thư, đôi hạc rùa gỗ, đạo sắc phong do vua Duy Tân ban năm 1911, 4 quyển hương ước của làng Gia Khánh được viết bằng chữ Nho.
Hội làng Gia Khánh được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm.
Năm 2015, đình Gia Khánh được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.)
Để lại một phản hồi