Tiểu sử Tổng kinh lược xứ – Quận công Hoàng Cao Khải

HOÀNG CAO KHẢI – PHÓ VƯƠNG

Tên húy: Hoàng Văn Khải. Sinh ngày 10 tháng 3, giờ Thìn năm canh Tuất (20/4/1850), mất vào hồi 10 giờ đêm ngày 22/9/1933 (tức ngày 03 -Tân Mão, tháng 8 -Tân Dậu, năm 1933 -Quý Dậu tại Thái Hà ấp, huyện Hoàn Long, Hà Nội.
Tự: Đông Minh, Hiệu: Hoàng Thái Xuyên
Chức: Tổng Kinh lược xứ Bắc Kỳ (là Phó Vương đại diện cho triều đình Huế tại Bắc kỳ)
Tước: Diên mậu Quận công (theo quy định là chỉ phong tước hiệu này khi chết rồi đối với những người không thuộc trong Hoàng thân quốc thích của Vua, đây là một đặc ân mang tính đặc cách đặc biệt duy nhất trong lịch sử từ trước đến nay chưa có tiền lệ ở nước ta).
Phẩm: Tòng Chánh nhất phẩm (Phẩm cao quý nhất trên cả Nhất Phẩm, thường thì có 9 phẩm để phân biệt địa vị và đặc ân của Vua, thấp nhất là hàng Cửu phẩm, cao nhất là Nhất Phẩm).
Hàm: Cần chánh điện Đại học sĩ (được nhà Vua truy phong ngày 25/9/1933 năm Bảo Đại thứ 8)
Phong Thưởng: Đệ Nhị Đẳng Đại Sĩ Quan Bắc Đẩu Bội Tinh (Đây là Huân chương cao quý của Nước Pháp từ trước đến ngày nay, đứng thứ 2 sau Đệ Nhất,nhưng Đệ nhất tìm trong lịch sử khảo cứu đến giờ chưa trao cho ai không phải là người Pháp).

HOÀNG CAO KHẢI là con trai cụ Hoàng Chính người làng Đông Thái, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay gọi là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh).
Căn cứ theo Gia Phả họ Hoàng làng Đông Thái, cụ Lang Chính tên là Hoàng Chính, thuộc vào thế hệ thứ 10, chi 3 của Hoàng Tộc.
Cụ HOÀNG CHÍNH (1793-1852), Húy Trực, hiệu Cúc Viên chủ nhân, là con trai thứ 3 của cụ Hoàng Thời Trung và bà Hoàng Thị Ngạn: bà sinh được 4 người con trai: Hoàng Viết Sảng, Hoàng Viết Kiện, Hoàng Chính (Hoàng Viết Trực) và Hoàng Viết Phùng. Ba ông Sảng, Kiện và Phùng đều mất sớm, chỉ còn lại một mình Hoàng Chính.
Cụ Hoàng Chính là một nhà nho, chăm việc học hành, tinh thông văn án, thi đậu Bút thiếp được bổ làm bát phẩm thơ lại, sau làm Thông kinh, được thăng chức Binh bộ viên ngoại lang trung (nên gọi là cụ Lang Chính). Cụ về nghỉ hưu ngồi dạy học ở quê nhà và mất ngày 23 tháng 9 năm Nhâm Tý (1852) hưởng thọ 60 tuổi. Sau này nhờ có con là Hoàng Cao Khải làm quan to đến chức Thượng thư, Cần chánh điện Đại học sĩ với tước Quận Công nên cụ được truy tặng là Từ thiêm Đại phu lễ bộ thượng thư.
Cụ Lang Chính có 2 bà vợ:
-Bà vợ cả họ Bùi người làng Yên trung, mất sớm không sinh con.
-Bà vợ hai cũng họ Bùi, người làng Đông Thái, chỉ sinh được một mình Hoàng Cao Khải.
Hoàng Cao Khải, sinh trưởng trong một gia đình nho học, sớm hấp thụ được truyền thống hiếu học của cha, ông nên từ lúc thiếu thời đã học hành thông minh, hay chữ, 16 tuổi thi đậu tú tài, rồi 17 tuổi đậu Cử nhân(Cử Nhân ân khoa năm Tự Đức thứ 21(1868) tổ chức tại Nghệ An, thi Hội hai lần dư có phân số. Nhưng sau vì gia đình túng thiếu, không có điều kiện tiếp tục học lên nữa, ông phải ra đi làm để nuôi gia đình.
Bước đầu xuất thân ông được bổ làm chức quan nhỏ trong các bộ ở Triều đình Huế. Năm 1882, sau khi vợ mất, ông để lại gia đình ở quê nhà rồi theo chân Nguyễn Hữu Độ(bố vợ Vua Đồng Khanh) ra lập nghiệp ở đất Bắc. (Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ và Cao Xuân Dục nguyên là bạn đồng môn với nhau, đều là môn sinh của cụ Thám hoa Nguyễn Hữu Đạt).
Ra Bắc trước tiên ông đuôc bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương rồi cải bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức, sau đó lại được thăng chức về làm Tri huyện Thọ Xương. Trong thời gian nhậm chức ở địa hạt này, ông đã có công giúp dân cải tạo đồng ruộng, phát triển tiểu thủ công nên sau này đã được dân làng lập đền thờ để ghi công ơn(hiện nay còn đền Chuông ở làng Mỗ Xá huyện Chương Mỹ-Hà Tây).
Năm 1884, Hà Thành thât thủ, Pháp chiếm xong Bắc Kỳ, ông cùng với Nguyễn Hữu Độ, là những người thuộc phái Chủ hòa, đã ra làm việc với Pháp: Nguyễn Hữu Độ làm Tổng Đốc thay Hoàng Diệu đã tuẫn tiết và Hoàng Cao Khải được bổ nhiệm làm Án Sát tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1887, theo lệnh vua Đồng Khánh, Hoàng Cao Khải lại được điều về làm Tuần phủ Hưng Yên kiêm chức Khâm Sai đại thần Tiểu phủ sứ ba tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh, đặc trách việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền đồng bằng trong đó có cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Năm 1888, Hoàng Cao Khải mới chính thức nhận chức Tổng Đốc tỉnh Hải Dương. Nhưng đến năm 1889, sau khi Nguyễn Hữu Độ mất, Hoàng Cao Khải lại được chỉ định về thay thế làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ (Vice roi du Tonkin). Năm 1890 ông được phong Quận công: Diên mậu Quận công.
Năm 1897, Pháp bãi bỏ nha Kinh lược để nắm quyền cai trị, Hoàng Cao Khải lại trở về Huế, Thái Tử Thái phó kiêm chức Thượng thư Bộ binh, Cần chánh điện Đại học sĩ(một chức trong tứ trụ Triều đình lúc bấy giờ).
Năm 1903, Hoàng Cao Khải lại được triệu về Bắc để giao một trách nhiệm mới (Chính phủ bảo hộ Pháp có ý định muốn đưa ông lên làm tổng thống), nhưng ông là một bậc tôi trung, thương dân không muốn binh biến nên đã từ chối, viện cớ tuổi già sức yếu xin cáo quan về nghỉ hưu.
Hoàng Cao Khải về hưu tại ấp Thái Hà. Ấp này đã được ông lập từ năm1893, lấy đất của 4 làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Láng Hạ, thuộc vùng ngoại ô thành phố Hà Nội. Từ chỗ là vùng đồng chiêm trũng, đất bùn lầy cằn cỗi, hoang phế, ông đã cho cải tạo thành một khu dân cư cao ráo, phong quang, rồi vận động nhân dân đến đây sinh sống ngày một đông dần. Những năm ở quê hương(làng Đông Thái-Hà Tĩnh) bị bọn tà đạo do kích động của thực dân Pháp, kéo đến đốt phá sạch khiến dân làng phải sống ly tán khắp nơi, ông đã vận động bà con về ấp cùng sinh sống để xây dựng ấp thành một quê hương thứ hai của mình trên đất Bắc, một làng Đông Thái thứ hai ở Hà Nội(nên mới có tên ghép là Thái Hà ấp).
Chẳng bao lâu ấp Thái Hà đã trở thành một làng nhỏ đông vui. Dân làng xây đình thờ ông làm Thành hoàng sống của làng.
Sau khi tình hình quê hương trở lại yên ổn, ông cho trưởng Nam là Hoàng Mạnh Trí(Tổng đốc Nam định) lúc bấy giờ đã nghỉ hưu, đem gia đình trở về quê nhà sinh sống, trông coi nhà thờ và mồ mả tổ tiên để vẫn gắn bó lâu dài với quê cha đất tổ, còn ông thì ở lại cai quản ấp. Ông cho xây dựng dinh cơ và lập sinh phần tính chuyện sẽ sống cho đến cuối đời trên đất Bắc.
Hoàng Cao Khải mất ngày 03 tháng 8 năm Quý Dậu (tức ngày 22/9/1933) hưởng thọ 84 tuổi. Mộ ông được táng trong ngôi lăng đá ở ấp Thái Hà (nay thuộc địa phận phường Trung Liệt quận Đống Đa- Hà Nội). Ngôi lăng đá đã được ông cho xây dựng từ năm 1915, là một công trình tuyệt tác kiến trúc bằng đá. Hiện nay vẫn được nhà nước quản lý và xếp hạng vào loại di sản quốc gia ở Hà Nội(xếp hạng loại A theo quyết định số 313 VHVP ngày 28/6/1962 của Bộ Văn Hóa). Tuy nhiên trên thực tế ngôi lăng này đã bị tàn phá và lấn chiếm của dân chúng cũng như sự thờ ơ của chính quyền sở tại(có khi dùng làm nơi nuôi lợn và làm bếp cũng như nơi phơi phóng quần áo của dân chúng xung quanh). Nên đến thời điểm hiện nay lăng này dần hoang tàn và đã trở thành một phế tích.
Sinh thời, ngoài những hoạt động về chính trị và quân sự ông đã nổi danh một thời. Hoàng Cao Khải còn rất tích cực tham gia nhiều hoạt động Văn hóa và xã hội khác nữa:
-Ông rất quan tâm đến việc trung tu sửa sang các đền chùa miếu mạo ở địa phương. Hiện nay ở đền Hùng (Phú Thọ) vẫn còn mấy tấm bia ghi chép rõ công lao của ông là người khởi xướng ra việc tu sửa di tích mộ Tổ này từ năm 1909.
Hoàng Cao Khải còn là một nhà Nho hay chữ, rất ham thích thơ văn. Trong thời gian còn làm quan cũng như lúc đã nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời giờ để viết sử sách và sáng tác thơ văn. Hiện nay trong kho tàng văn học nước nhà, những trước tác của ông còn được gìn giữ cũng khá phong phú và đa dạng, gồm có:
*Mấy bộ Việt sử yếu: “Việt sử yếu”, “Nam sử diễn âm”. “Nam sử kinh”.v..v.
*Các vở tuồng Bắc: “Tây Nam đắc bằng”, “Tượng kỳ khí xa”, “trung hiếu thần tiên.v..v.
*Và một số tập thơ Hán nôm, các bài văn bia, các lời đề tựa cho những cuốn sách đương thời.v..v.
Ông dùng văn thơ để ca ngợi lịch sử nước nhà, ca ngợi khí phách dân tộc, ca ngợi những vị anh hùng cứu nước.v..v.
Ông cũng biên soạn những tài liệu có tính chất giáo huấn nêu cao truyền thống đạo lý Nho giáo của dân tộc để răn dạy người đời: ‘Việt Nam nhân thần giám”, “Làm con phải hiếu”, “Đàn bà nước Nam.v..v.
Trong sử sách cũng như văn đàn lâu nay việc đánh giá Hoàng Cao Khải còn nhiều điểm chưa thật sáng tỏ, nhưng nhìn chung ông vẫn được xem như là một danh nhân văn hóa nước nhà.
Hoàng Cao Khải có 2 đời vợ và một nàng hầu.
1-Bà vợ cả: PHAN THỊ ĐIỂU, người cùng làng (làng Đông Thái) là trưởng nữ của cụ Phó bảng Phan Văn Nhã (tức Phan Đình Tuân, bác ruột Phó bảng Phan Đình Phùng).
Bà sinh được 3 người con trai:
-HOÀNG MẠNH TRÍ
-HOÀNG TRỌNG PHU
-HOÀNG THÚC TỰ(Hoàng Gia Tự)
Hai ông Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu sau này đều làm quan to đến chức Tổng đốc(Tổng đốc Nam Định và Tổng đốc Hà Đông).
Bà lâm bệnh mất tại quê nhà năm 1882. Mộ được táng trong nghĩa trang làng Đông Thái, nay đã được di chuyển lên núi Cune(Lĩnh Sơn-Tùng Ảnh-Đức Thọ).
2-Bà vợ kế: PHẠM THỊ TỐ, người làng Bông (Lại Hạ, Kim Động-Hưng Yên), nguyên là ân nhân của ông, đã cứu ông thoát khỏi vòng vây của nghĩa quân Bãi Sậy trong một trận phục kích ở đồn Mỹ Hào, đưa ông chạy về Hải Dương thoát chết. Sau này khi về nhậm chức ở Hải Dương, ông cưới bà về làm vợ kế vì con gái làng Bông nên dân làng gọi bà là bà Bông).
Bà sinh được hai người con(1 trai, 1 gái)
-HOÀNG GIA LUẬN
-HOÀNG THỊ MINH
Bà lâm bệnh mất ngày 7 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27/9/1922) tại Hà Nội, hưởng thọ 64 tuổi. Mộ hiện táng trong lăng đá ấp Thái Hà cùng với chồng.
3-Nàng hầu: Cũng là một cô gái làng Bông (chị em cùng cha khác mẹ với bà Tố). Sau này vì lỗi lầm (có người tình) nên đã bị trả về địa phương và được cấp ruộng đất để sinh sống ở quê nhà.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*