Thôn Mỗ Xá là một làng Việt cổ nằm gần sông Đáy. Nơi đây gần ngã ba Ba Thá, nơi gặp nhau giữa sông Đáy và sông Bùi. Đầu thế kỷ XIX, Mỗ Xá thuộc tổng Văn La, huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam thượng. Triều vua Tự Đức nhà Nguyễn huyện Chương Đức đã đổi thành huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Mỗ Xá thuộc xã Phú Nam An. huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, sau là Hà Tây, nay là Hà Nội. Xã có địa giới phía Đông giáp xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) và Văn Võ, phía Tây và phía Nam giáp xã Hòa Chính, phía Bắc giáp xã Văn Võ (thuộc huyện Chương Mỹ).
Tại đây có một quần thể cụm di tích cổ được xây dựng từ lâu đời và còn bảo lưu được nhiều di vật độc đáo và hiếm quý có niên đại từ đầu thế kỷ XVII cho đến nay. Đây chính là nơi sinh hoạt văn hóa công cộng của toàn thể làng Mỗ Xá. Cụm di tích này được gọi theo tên thôn là đình – chùa Mỗ Xá (nhân dân còn gọi theo tên nôm là đình – chùa Mụ). Về chùa còn có tên chữ là “Linh Quang tự”. Về Đình thì có 02 ngôi đình, gồm Đình Trong (Theo cuốn thần phả sao lại vào năm Bảo Đại ngũ niên (1930) và truyền thuyết lưu truyền trong dân thôn thì đình Mỗ Xá thờ các vị thành hoàng là: (1) Đỗ Lương chi thần đại vương (2) Tuấn Lương chi thần đại vương (3) Độc Cước chi thần đại vương (4) Ý Chinh phu nhân và Nhân Lộc công chúa) và Đình Ngoài (Thờ Tổng kinh lược xứ Bắc kỳ, Cần chánh điện Đại học sĩ, Quận công Hoàng Cao Khải cùng quan Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu).
Toàn bộ quần thể Đình và chùa làng Mỗ Xá được xây dựng trên cùng một thửa đất, trông về hướng Tây. Ngôi chùa nằm ở giữa, phía bên phải là ngôi Đình Trong, phía bên trái là ngôi Đình Ngoài. Về kiến trúc mang được những nét đặc trưng của mỹ thuật thời Nguyễn, theo địa lý phong thủy của quần thể đình chùa tọa lạc trên thế đất đẹp hướng càn tú, đằng sau là mắt rồng ở làng Mỗ Xá.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Mỗ Xá là nơi cất giấu tài liệu, là cơ sở cách mạng, là nơi hội họp của chính quyền, của dân thôn. Các cuộc thi đua sản xuất, chiến đấu cũng như tiễn đưa con em mình đi bộ đội đều xuất phát từ mái đình thân yêu này.
Từ khi xây dựng đến nay ngôi Đình Trong đã được tu sửa nhiều lần, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1991 nên hiện tại ngôi đình còn tương đối vững chắc. Qua các lần tu sửa kiến trúc cổ vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn.
Còn Đình Ngoài được xây dựng từ năm đầu thế kỷ XX (1917), do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh lớn, bị xâm chiếm rồi trưng dụng làm lớp học, kho HTX và một thời kỳ ý thức giữ gìn bảo vệ di tích chưa tốt nên các di vật ở đình bị mất mát, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.
Nhưng vừa qua với tinh thần đóng góp tự nguyện và công đức của khách thập phương, lại có được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, từ chủ trương sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để tôn tạo, trùng tu lại di tích. Trong đó không thể không nhắc đến tấm lòng, tình cảm của toàn bộ nhân dân xã Phú Nam An nói chung và bà con người dân thôn Mỗ Xá nói riêng đã ghi nhận việc làm của hai cha con nhà Quan Quận: “Hồi đó dân trong vùng làm nông nghiệp, muốn đào con mương dẫn nước nhưng làng bên gây khó khăn nên phải nhờ cậy quan Tổng đốc Hoàng Trọng Phu can thiệp, rồi quan cũng cho người về giúp đỡ hướng dẫn bà con biết cách canh tác cải tạo đồng áng, ruộng cao thì trồng mầu, ruộng thấp thì trồng lúa…từ đó cuộc sống của dân làng ấm no hơn. Cùng một số công lao khác của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu làm cho Hà Đông trù phú thêm nên dân làng kính trọng, mặc dù còn khó khăn nhưng dân làng quyết tâm đầu tư đất, công, của để lập đình thờ”
Việc gìn giữ và tôn tạo để có được ngôi Đình Ngoài to đẹp và trang nghiêm như ngày hôm nay, thì đặc biệt không thể quên được sự nhiệt huyết của các Cụ cao tuổi trong thôn và ông Tín, ông Hoàng là người khởi xướng, phát động, trực tiếp làm việc với các cấp chính quyền, ban ngành để được tôn tạo di tích Đình Ngoài (Ông nay 76 tuổi, bộ đội phục viên. Suốt 20 năm qua theo ông Tín cho biết ông đã đứng lên cùng dân làng gặp gỡ các ban ngành đề nghị cho tôn tạo, nay đã đạt được tâm nguyện).
(Ông Tín là người khởi xướng, phát động, trực tiếp làm việc với các cấp chính quyền,
ban ngành để được tôn tạo di tích Đình Ngoài)
Công trình đã khởi công tôn tạo từ tháng 2 âm lịch , dự kiến hoàn thành trong 4 tháng, đến ngày 16,17 tháng 6 âm lịch năm Nhâm Dần 2022 bốc bát hương, sau đó sẽ làm lễ khánh thành ! Dưới đây là một số hình ảnh từ hiện trạng cũ đến khi khánh thành, trân trọng gửi tới quý bạn đọc được biết:
Hàng thứ nhất từ phải sang người thứ 3 là Cụ Hoàng và ông Nguyễn Văn Long Phó trưởng thôn Mỗ Xá
Đình Mỗ Xá có ý nghĩa nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa đó chính quyền và nhân dân địa phương đang có phương án sử dụng ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính trị của toàn dân. Những ngày thường có hội họp của các đoàn thể. Những ngày lễ trong hội làng được tổ chức theo phong tục cổ truyền của quê hương, hình thức diễn hội luôn biến đổi đáp ứng được tính dân tộc, tính khoa học và đại chúng… thông qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho mỗi công dân càng hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thai Ha.
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ trùng tu Đình ngoài thôn Mỗ Xá: https://www.youtube.com/watch?v=jqQ8Yj6XKVc
Chương trình lễ khánh thành và dâng hương Đình ngoài thôn Mỗ Xá: https://www.youtube.com/watch?v=rwDg-0C6-ZU&t=429s
Để lại một phản hồi