Hoàng Cao Khải và hoạt động văn hóa xã hội- Một nghiên cứu của Thành Chi

Hoàng Cao Khải và hoạt động văn hóa xã hội- Một nghiên cứu của Thành Chi
Một việc rất được Hoàng Cao Khải quan tâm đến là tu sửa các đền chùa miếu mạo. Đi đến đâu ông cũng rất chú ý việc đó.
1. Hồi còn làm Tuần phủ Hưng Yên ông đã cho sửa lại nhà Văn Miếu của Tỉnh rồi đứng ra tổ chức một cuộc thi làm thơ vịnh cảnh Văn miếu để thu hút sự chú ý của các nho sĩ địa phương. Những bài thơ trúng cách và được thưởng đều được lưu lại trong tập “Tinh thần chúc Hỗ ca văn” (tài liệu này vẫn cất giữ ở Viện Hán Nôm Hà Nội với mã số 3775 trong thư mục).

Một góc của Văn Miếu-Xích Đằng tại tỉnh Hưng Yên

2. Khi chuyển về giữ chức Kinh lược Sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội, ông đã cho tiến hành tu sửa lại đền Trấn Võ (một trong tứ trấn của Thăng Long) và đền thờ Trần Hưng Đạo. Ở các đền này ông đều có làm văn bia để lưu lại “Trấn Vũ quán mạc tích” và “Tức Mặc Hưng Đạo Đại Vương từ mặc tích” (tài liệu vẫn còn được ghi lại trong cuốn Chư đề mặc lưu giữ ở Viện Hán Nôm Hà Nội với mã số VNV18, MF1716).

Đền Quán Thánh – một trong Thăng Long tứ trấn, biểu tượng của Thủ đô

3. Năm 1894 nhân dịp đi tiễn chân Toàn quyền De Lanessan về nước, Khải đã đến thăm nhà thờ và lăng mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Ông đã cho xây dựng một nhà bia để tưởng niệm Lê Tướng công gọi là “Lê Công miếu bị”. Trên tấm bia có khắc một bài văn bia bằng chữ Hán nhằm ca ngợi công đức của Lê Văn Duyệt là người xưa kia đã có công đánh dẹp quân xâm lăng Xiêm và Cao Miên để bảo vệ Lục Tỉnh (Nam Kỳ ngày nay).
“Xưa nay anh hùng hào kiệt sinh vào thời loạn lạc gió mưa sấm chớp, đem hết trí dũng lập được công nghiệp, khi sống thì thân mình vinh hiển, khi chết để lại tiếng thơm. Dù sau này thời thế có đổi thay thì tiếng anh hùng vẫn còn hiển hách mãi… (Lê Việt Dũng dịch).


4.Năm 1909 (Đời Vua Duy Tân thứ 3), Hoàng Cao Khải lên thăm Đền Hùng ở Phú Thọ, thấy cảnh miếu thờ hư hại đổ nát nhiều đã thương lượng xin Toàn quyền cấp kinh phí để trùng tu lại (được cấp 2000 đồng bạc Đông Dương). Ông cho thành lập Hội đồng đốc công giao cho Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Văn Truyền phụ trách để tiến hành tu sửa. Đến năm Duy Tân thứ 8 (1914) thì tổ chức lễ khánh thành do Hoàng Cao Khải làm Chủ lễ Khánh Hội, rồi giao cho Lê Trung Ngọc tuần phủ Phú Thọ (năm 1917) soạn thảo sớ để Hoàng Cao Khải thông qua trước khi gửi lên Bộ Lễ xin ấn định ngày Quốc Tổ hàng năm (10/3 ÂL). Hiện nay trong Đền Thượng của khu đền về phía bên trái vẫn còn mấy tấm bia được gắn vào nhà quan cư, ghi lại quá trình tôn tạo và ghi nhớ công lao của Hoàng Cao Khải là người xướng xuất ra việc tu sửa này (bia số 2 và bia số 3).

Bia số 2: “Bia ghi kỷ niệm ở Miếu thờ Hùng Vương” được khắc vào mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiêu Khải Định tháng 8 (1923) do Nguyễn Huy Vĩ, hiệu Tây Bình Cư sĩ, người tỉnh Hà Đông viết. Nội dung bia ghi việc tu sửa các di tích trên núi Hùng:
– Năm Duy Tân thứ 3 (1909) Thái Xuyên Hoàng Cao Khải thương lượng với Chính phủ xin cấp 2.000 đồng tiền công để tu sửa lăng miếu Tổ Vương.
– Năm Duy tân thứ 7 (1913) lĩnh số tiền cấp phát chế tạo đồ tự khí, khai mở đường lên núi. Năm Duy Tân thứ 8 (1914) khánh thành.
– Năm Duy Tân thứ 9 (1915) đến Khải Định năm thứ 2 (1917) tu tạo miếu Thượng, tiền đường, làm thêm đồ tự khí, xây lầu cửa dưới chân núi, dựng Phương Đình sau chùa là nơi công hội.
– Khải Định năm thứ 6 (1921) và Khải Định năm thứ 7 (1922) tạo dựng 7 gian nhà Công Quán hết 1.609 đồng 7 hào 1 xu. Trùng tu Miếu Giếng làm nơi Chính Tẩm, Bái Đường, Phương Đình, hai bên nhà Tả Hữu.
– Năm Khải Định thứ 7 (1922) và Khải Định năm thứ 8 (1923) trùng tu Lăng Tổ Vương và tạo 4 gian Công Quán bên cạnh miếu.

Bia số 3: “Bài ký trên bia ghi cổ tích của Tổ quốc”.Trên bia không ghi niên đại, chỉ ghi: Lê Đình Xán, phó bảng khoa Tân Sửu (1901) người xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, giữ chức Điển học tỉnh Phú Thọ soạn. Nội dung bia ghi về việc năm 1909 Khâm sai Bắc Kỳ kinh lược diên mậu quận công Thái Xuyên Hoàng Cao Khải người Hà Tĩnh xin Chính phủ cấp 2000 đồng tiền công tu sửa Tổ miếu.

Cổng vào Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ

Phải ghi chú thêm về Lê Trung Ngọc-tuần phủ Phú Thọ để bạn đọc và khảo cứu thêm: là một quan viên Nhà Nguyễn đầu thế kỷ XX. Ông là một trong những người sáng lập Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội và được xem là người đề xướng ngày Quốc Tổ (國祭, tức ngày tế lễ quốc gia) 10 tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ông sinh ngày 23 tháng 9 năm Đinh Mão (tức 20 tháng 10 năm 1867), quê ở thôn Tân Quảng, huyện Tân Long, hạt thanh tra Chợ Lớn, tỉnh Sài Gòn (nay thuộc Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Sinh ra trong một gia đình Nho học, tuy nhiên bấy giờ đất Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp, nên ông theo Tây học. Năm 1883, Hòa ước Harmand được ký kết, sau khi học xong trường Hậu bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông được chính quyền thực dân điều ra làm việc trong chính quyền Nam triều tại Bắc Kỳ. Sự nghiệp quan trường của ông kéo dài trong 40 năm. Tháng 1 năm 1903, ông được bổ làm Tuần phủ Bắc Ninh, đến tháng 7 năm 1903 được đổi làm Thương tá Vĩnh Yên. Tháng 3 năm 1908, ông được đổi làm Án sát Vĩnh Yên; sau đổi làm Án sát Phúc Yên, tháng 6 năm 1909, đổi làm Án sát Sơn Tây. Tháng 2 năm 1912, ông được bổ làm Tuần phủ Sơn Tây. Tháng 4 năm 1913, đổi làm Tuần phủ Bắc Giang. Tháng 12 năm 1913, làm Tuần phủ Quảng Yên. Từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921, ông làm Tuần phủ Phú Thọ. Tháng 2 năm 1921, ông được bổ làm Tổng đốc Hải Dương. Đến tháng 1 năm 1924, ông làm Tổng đốc Tòa Thượng thẩm, Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 7 năm 1927.Ông qua đời ngày 21 tháng Tư năm Mậu Thìn (tức 8 tháng 6 năm 1928) tại Hà Nội, hưởng thọ 62 tuổi. Trong sự nghiệp quan trường, ông đã dược tặng thưởng nhiều Huân chương như: Kỷ niệm chương Bắc kỳ năm 1888; Đại Nam Long tinh Đệ ngũ hạng năm 1890; Huy chương bạc hạng nhất năm 1891; Huy chương vàng 1892; Hồng Lô tự thiếu khanh năm 1896; Kim Thánh năm 1898; Huân chương Viện hàn lâm năm 1904; Huân chương quốc gia Vương quốc Campuchia năm 1913…

5. Miếu Trung Liệt mà Nguyễn Hữu Độ cho xây dựng ở khu sinh từ (đường Nguyễn Khuyến hiện nay) đang làm chưa xong thì Nguyễn Hữu Độ mất. Hoàng Cao Khải cho chuyển về xây dựng lại ở ấp Thái Hà và đổi tên là miếu Trung Lương để không những chỉ thờ các trung thần liệt sĩ đã hy sinh vì nước, mà còn thờ thêm các lương tướng nữa, nghĩa là những người có công với đất nước. Chủ trương ấy đã bị dư luận người đời phản ứng nghĩ rằng Khải có ý đồ để Khải cũng sẽ được thờ ở đấy. Một nhà thơ xứ Nghệ Phan Điện đã tức giận làm một bài thơ dán ở cửa đền:

“Các cụ đem thân bỏ chiến trường
Ai đem Trung Liệt đổi Trung Lương
Bên thờ trung trực, bên gian nịnh
Thế cũng đền đài cũng khói hương.”

Vì thế cho nên sau này (sau Cách mạng Tháng 8/1945) miếu ấy lại giữ lại cái tên là Trung Liệt.

Cổng vào Miếu Trung Liệt (Đền Trung Lương) tại Gò Đống Đa – Hà Nội
Trung Liệt miếu, hay Võ miếu, ở Hà Nội là ngôi miếu thờ các nhân vật quân sự do các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng.
Trung Liệt miếu được xây vào năm 1685 (năm thứ 6 niên hiệu Chính Hòa) tại nơi mà nay là phố Nguyễn Khuyến, gần Văn miếu. Miếu thờ các công thần nhà Lê, đầu tiên là Lê Lai. Tuy nhiên, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì miếu này còn thờ Trần Hưng Đạo và cả một số nhân vật người Hán (như Quản Tử, Tôn Tử, v.v…).
Từ thế kỷ 19, miếu được di dời tới gò Đống Đa, và thờ các vị quan nhà Nguyễn đã hy sinh trong chiến đấu, như Nguyễn Tri Phương cùng người con trai là Nguyễn Lâm, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao.
Từ năm 1946, miếu thờ cả Quang Trung.
Hiện nay, chính điện ngôi miếu không còn. Chỉ còn cổng miếu và cầu thang dẫn lên. Trên đỉnh gò Đống Đa còn nhiều hàng gạch vuông vốn là nền miếu.

Việc tôn tạo đền chùa miếu mạo này là của Khải cũng được dư luận công chúng bàn tán khá nhiều. Có người thì cho rằng Khải làm việc ấy để tỏ ra mình có lòng yêu nước thương dân vẫn chăm lo tới việc lễ bái thờ cúng của nhân dân; có người lại nghĩ rằng Khải lấy việc thờ cúng ấy để trấn an tinh thần của dân chúng vì bấy lâu trong thời chiến tâm lý của con người đã bị suy sụp. Nhiều truyền thống đạo lý trong xã hội đã bị phá vỡ. Nay cần phải được chỉnh dốn lại: Hoàng Cao Khải lấy việc lễ bái, thờ cúng để bằng con đường tâm linh lấy lại lòng tin cho con người: Khải suy tôn nho giáo để lập lại kỷ cương đất nước .v.v…

Tuy nhiên trong quan điểm tôn thờ ở đây, Hoàng Cao Khải cũng đã có một điểm đổi mới. Ông luôn luôn lấy việc làm lợi cho dân cho nước làm tiêu chuẩn để đánh giá con người. Trong những lời bàn về lịch sử khi viết cuốn “Việt Sử Yếu”, Khải đã có những ý kiến: “Triệu Đà là người đã có công xây dựng nền tự chủ cho nước ta, chúng ta chớ nên cho rằng vị ấy không phải là người của nước ta để rồi thờ ở quên lãng “, nói về “Trần Hưng Đạo “ “Người ta suy tôn ông như là quan niệm thờ quỷ thần, nhưng tôi suy tôn ông lại là vì tâm lý Trung Hiếu của ông mà thôi”. Nhận định về việc tiếm ngôi vua của Lê Hoàn, Khải nói “Lê Đại Hành lúc bấy giờ đối với Vua Đinh là người có tội, mà đối với nước thì thật là kẻ có công vậy”, v.v…
Trong bức thư gửi cho Phan Đình Phùng để dụ hàng, Hoàng Cao Khải cũng đã lập luận: “Ôi làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng có ai, không biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ!”. Khi đổi tên miếu Trung Liệt thành miếu Trung Lương, Khải cũng có ý định: Không những chỉ thờ những trung thần liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, mà còn phải thờ cả những lương tướng nghĩa là những người có công với dân với nước nữa! v.v…
Phải chăng Hoàng Cao Khải đưa ra những luận điểm trên đây là để tự biện hộ cho những hành vi của mình. Ông bị người ta phê phán là làm “tay sai” cho Pháp, nhưng Ông đã nghĩ rằng làm gì mà có lợi cho nước, cho dân lúc này là kẻ có công chứ không phải có tội cho nên chẳng có điều gì mà phải nề hà cả.

Thái Hà -Sưu Tầm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*