Nguyễn Khuyến ngồi làm gia sư trong dinh Hoàng Cao Khải
Hoàng Cao Khải xuất thân chỉ là một nhà nho nghèo với học vị Cử nhân mà thôi nên bị các giới nho sĩ coi thường, họ tìm cách xa lánh và chủ trương bất hợp tác. Nhưng tại sao Nguyễn Khuyến, một vị đại khoa, ba lần đậu Giải nguyên, gọi là cụ “Tam nguyên Yên Đổ” lại ngồi làm gia sư trong dinh Hoàng Cao Khải? Phải chăng là bị ép buộc hay là đã có sự tự nguyện?
Nhiều tài liệu đã nói rằng: “Nguyễn Khuyến bị bức ép bất đắc dĩ phải về làm gia sư trong dinh Hoàng Cao Khải, nhưng thực chất là bị Khải đem về đó để giám sát”.
Cách giải thích như thế chưa thật ổn lắm! Nguyễn Khuyến chỉ là một vị quan thanh liêm, một nhà nho đức độ, hiền lành, có tham gia tổ chức chính trị nào đâu? Có hoạt động chống đối gì đâu? Mà lại phải đến mức độ “quản thúc để giám sát” như vậy? Nói rằng ông ta “bị ép buộc bất đắc dĩ phải làm” cũng không đúng! Một con người có bản lĩnh như Nguyễn Khuyến, đang làm quan to (Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi) nhưng chán cảnh quan trường, xin từ ẩn để ngồi dạy học, cả triều đình muốn giữ lại cũng không được! Sao lại chịu sự ép buộc của Khải một cách dễ dàng như vậy nếu không phải là đã có sự tự nguyện! v.v…
Hoàng Cao Khải xưa kia vốn là một con người hiếu học, thông minh, chăm chỉ nên 16 tuổi đậu Tú tài, 17 tuổi đậu Cử nhân, đang muốn tiếp tục học tập lên cao nữa nhưng vì cảnh gia đình túng bấn, phải bỏ dở việc học tập để đi làm sớm. Sống trong một làng có nhiều nhà khoa bảng đỗ đạt cao, gia đình Khải bị lép vế, thường bị các dòng họ khác coi khinh mà phải ấm ức chịu đựng!. Nay đã làm quan to, gia đình khác giả, Khải muốn con cái mình cũng được học hành đến nơi, đến chốn, rồi cũng có khoa bảng đậu đạt cao chẳng chịu thua kém thiên hạ, nên cố đi tìm thầy giỏi về dạy dỗ kềm cặp cho Hoàng Mạnh Trí (con trai trưởng) hồi đó đang theo học chữ Hán.
Được biết Nguyễn Khuyến là một danh nho đại khoa, ba lần đậu Giải nguyên nay đã từ quan về đi dạy học, đang làm đốc học Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Khải vội tìm đến khẩn khoản mời về dạy dỗ cho con mình. Đang lục còn nhàn rỗi lại được trọng dụng theo đúng sở thích của mình, Nguyễn Khuyến đã vui vẻ nhận lời. Từ Quốc Tử Giám đến Nha Kinh lược tương đối gần nhau, đi lại thuận tiện nên hàng ngày Nguyễn Khuyến thường lui tới Dinh Hoàng Cao Khải để kèm cặp dạy dỗ cho Hoàng Mạnh Trí học tập.
Người ta nói rằng Hoàng Mạnh trí nhờ có sự dạy dỗ của Nguyễn Khuyến nên trong khoa thi năm ấy bài làm đạt điểm cao đáng được đậu Giải nguyên nhưng vì Ban Giám khảo biết là con của Hoàng Cao Khải nên đã hạ điểm thấp xuống để dành vị trí giải nguyên cho một người khác, do đó Hoàng Mạnh Trí chỉ đậu Cử nhân thôi. Nguyễn Khuyến chỉ ngồi làm gia sư trong Nha Kinh lược từ năm 1891 đến năm 1893, sau khi Hoàng Mạnh Trí được bổ đi làm quan thì ông cũng thôi dạy và về quê nghỉ hưu. Trong thời gian ngồi làm gia sư cho gia đình Hoàng Cao Khải, Nguyễn Khuyến luôn luôn được Khải rất quý trọng. Trong các buổi tiệc lớn của gia đình như bữa tiệc mừng Hoàng Trọng Phu (con thứ của Khải) đi du học ở Pháp về, trước mặt các quan khách sang trọng của gia đình, bao giờ Khải cũng kính cẩn mời Nguyễn Khuyến ngồi lên ghế trên cùng theo tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thường những lúc rỗi rãi việc công đường, Khải vẫn cùng Nguyễn Khuyến ngồi uống trà để cùng nhau bàn luận thơ văn vì Khải cũng là một người ham thích văn chương và cũng là một người hay thơ nữa. Hồi đó thơ của cả hai người cũng đều được tuyên chọn đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy ở nhà trường như bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến và bài “Vịnh Trưng Vương” của Hoàng Cao Khải v.v…Năm 1910, nhân ngày sinh nhật 60 tuổi của Khải tổ chức ở ấp Thái Hà, Nguyễn Khuyến cũng được mời về dự, có làm tặng Khải một đôi câu đối lời lẽ rất đẹp ca ngợi cảnh phồn vinh của trang ấp như là quang cảnh sinh hoạt của kinh thành vậy:
“Len vai thê đệ một hàng quan, nào giày nào dép, nào ngựa nào xe, nào nước cờ, chén rượu, nào mảnh hát, cung đàn, thứ tự nhiên đặt sẵn gió trăng này, dâu tử mạch hồng quần nhưng chẳng tục”.
“Mở mặt giang sơn, trong đất nước, có cầu, có đình, có chợ, có chủ khách, có ông Xiêm, có kẻ thầy người thợ, kho vô tận của chung trời đất cả, lọ hoa viên thú uyễn mới là xuân”.
Nguyễn Khuyến về nghỉ hưu tại quê nhà (Hà Nam), Hoàng Cao Khải mỗi khi có dịp đi công tác qua đấy cũng cố tìm đến tận nhà để thăm hỏi rất là thân tình.
Có người nói rằng Nguyễn Khuyến vốn không ưa Hoàng Cao Khải nên thường làm thơ để đả kích ông ta rồi viện dẫn mấy câu thơ trích trong bài ca trù vịnh ông phỗng đá:
“Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trợ như đá, vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không?”
Mấy câu thơ có tính chất trào phúng ấy là tác giả làm để mỉa mai thời cuộc nói chung chứ phải đâu là chỉ để châm biếm riêng Hoàng Cao Khải! Và lại cũng mấy câu thơ ấy có người nói là của ông đồ Nghệ Phan Điện làm; có người lại bảo là của Nguyễn Sinh Cung (tên cúng cơm của Hồ Chủ Tịch thời nhỏ) hồi còn đi học, qua vùng Đức Thọ chơi, cùng với bạn là Lê Thước rủ nhau đến tham quan dinh Hoàng Cao Khải ở làng Đông Thái, đã ứng khẩu làm để vịnh tượng ông Lã Vọng ngồi câu cá gắn trên hòn non bộ (theo cuốn “Búp sen xanh” của Sơn Tùng) v.v…Vậy bài thơ ấy có phải đích thực là thơ của Nguyễn Khuyến hay không? Hơn nữa trong cả tập thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến người ta cũng không tìm thấy có bài thơ nào đả kích đích danh Hoàng Cao Khải cả. E rằng lời nhận định trên chỉ là do một định kiến đã có sẵn mà thôi! Vì quan hệ giữa Nguyễn Khuyến và Hoàng Cao Khải xưa nay vẫn rất nghiêm túc và tôn trọng nhau.
Thái Hà-Sưu Tầm.
Để lại một phản hồi