Mâu thuẫn giữa Hoàng Cao Khải và Nguyễn Thân-Một nghiên cứu của Thành Chi

BAVH 1-1915 - Notices Nécrologiques - LES MORTS DE 1914 (3) - Ông Nguyễn Thân.https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/41042447011/

Mâu thuẫn giữa Hoàng Cao Khải và Nguyễn Thân

Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải là hai vị quan chóp bu của triều thần Nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX. Hai người đều ngang chức ngang quyền nhau. Cả hai đều là quan nhất phẩm giữ vai trò quan trọng trong nội các của triều đình: Nguyễn Thân là Thượng thư Bộ Lại, Hoàng Cao Khải là Thượng thư Bộ Binh. Cả hai người đều làm Phụ chính cho vua Thành Thái, với chức Thái tử Thiếu Bảo, và cả hai đều được cử làm quan Khâm sai Đại thần: Nguyễn Thân phụ trách việc đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Trung Kỳ: Hoàng Cao Khải phụ trách việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của nghĩa quân Bãi Sậy ở Bắc Kỳ.
Họ là một cặp sóng đôi rất trùng lặp, phục vụ đắc lực chính quyền bảo hộ của Pháp, nên đều là đối tượng bị các giới sĩ phu yêu nước bấy giờ rất căm ghét và đả kích kịch liệt:

“Hỏi ai bán nước buôn dân
Ấy Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân một phường!”
Hoặc:
“Hoàng Cao Khải nhục nhã đã xong
Nguyễn Thân đâu cũng vào vòng khuyển nổ”
(Vè Cụ Đình)

Hai người cùng hội cùng thuyền với nhau thế mà lại mâu thuẫn nhau rất sâu sắc: Nguyễn Thân coi khinh Hoàng Cao Khải là một tay sai đắc lực của Pháp, được Pháp tin dùng và trao cho nhiều chức trọng quyền cao, sinh ra hống hách độc tài, độc đoán, chẳng còn kiềng nể ai cả. Còn Khải lại nghĩ rằng Thân chỉ là một tay võ biền, tập ấm mà nhoi lên, chẳng có học thức gì nên rất ngu đần, tàn ác và thô bạo. Họ ghen ghét nhau, đố kỵ gièm pha nhau, thậm chí còn tìm cách hãm hại nhau nữa.
Trong việc đánh dẹp nghĩa quân Phan Đình Phùng, Thân nghĩ rằng đây cũng là một dịp để chơi khăm Khải vì Phan Đình Phùng là người làng của Khải và cũng là bà con thân thích bên ngoại của Khải. Trừng trị Phan Đình Phùng cũng là trừng trị Khải, làm cho dân làng Đông Thái thêm lòng oán giận đối với Khải. Đem quân về làng Khải để đào bới mồ mả tổ tiên của Cụ Phan, Thân cho rằng đây sẽ là mũi tên bắn trúng hai đích: một mặt để uy hiếp tinh thần của cụ Phan, mặt khác sẽ làm cho nghĩa quân căm ghét bè lũ tay sai của Pháp, rồi sẽ trả đũa, bằng cách cũng đào bới mồ mả tổ tiên họ Hoàng! Sợ sự việc ấy sẽ xẩy ra, Khải đã cho người đến gặp cụ Phan để can ngăn. Cụ Phan bảo Khải cứ yên tâm, nghĩa quân chỉ đánh Pháp chứ không đánh người Việt, vả lại Phan Đình Phùng cũng không bao giờ làm những việc thất đức như vậy đâu.
Việc đào mồ mả này đã làm cho Khải rất đau lòng vì đây cũng là tổ tiên bên ngoại của Khải. Khải không có cách gì để ngăn cản nổi vì địa bàn này thuộc về quyền hành của Thân, và Thân làm việc ấy là theo lệnh của Pháp, Khải không dám chống cự lại, đành phải cắn răng chịu đựng mà thôi.
Sự đời cũng oái ăm thay. Nhà Kinh lược bị giải thể, Khải lại phải trở về Huế làm Phụ chính cho Vua Thành Thái, cùng hợp tác với Thân! Thế là đối thủ lại phải chạm trán nhau, họ gầm ghè đối phó với nhau.
Có một lần, trong bữa tiệc mừng sinh nhật bà Hoàng Thái hậu, có người đề xuất vấn đề đưa Vua Hàm Nghi trở về. Khải đứng dậy đập bàn quát mắng. Các triều thần đều ngồi im thin thít. Nguyễn Thân ngồi ở đấy cũng tái mét mặt không dám lên tiếng chống đối lại. Vì mọi người biết rằng Khải đã có chỗ dựa vững chắc là chính quyền bảo hộ của Pháp đầy quyền lực, ai còn dám chống đối nữa.
Mỗi ngày còn phải chạm trán, làm việc cùng với Khải là Thân cảm thấy như có cái gai trước mắt rất khó chịu, muốn tìm cách trừ khử đi cho rảnh, nhưng chưa có thời cơ.
Thế rồi, trong một đêm, sau khi đi dự tiệc trong nội cung về, cầu Tràng Tiền, hai người chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Thân đã bí mật sai tên hầu cận của mình phục kích đón đường để mưu sát Khải. Có ngờ đâu Khải là một con người rất cẩn thận, luôn luôn cảnh giác đề phòng, việc cơm nước hàng ngày vẫn do tự tay bà vợ chăm sóc để khỏi bị đầu độc. Đêm hôm đó, tay cận vệ của Khải, do linh tính báo trước, đã sớm phát hiện được sự việc và tóm gọn được tên thám kích. Tên này bị bắt quả tang, run sợ, chưa bị tra khảo đã khai tuột ra cả:
“Lạy cụ lớn, xin cụ lớn tha tội chết cho! Con làm việc này là theo lệnh của cụ Lại (Thân là Lại bộ Thượng thư). Cụ Lại bảo con: nếu giết được cụ lớn thì sẽ được thưởng 100 đồng bạc và được thăng chức cho 2 bậc. Con biết tội rồi, lạy cụ lớn, xin cụ lớn tha chết cho!”
Khải cười và bảo rằng:
“Tao không giết mày làm gì! Vì mày chỉ là tên tay sai thôi. Cụ Lại nhà mày mới là kẻ chủ mưu. Cụ Lại hứa sẽ thưởng cho mày 100 đồng bạc thì tao sẽ cho mày số tiền ấy mặc dù mày chưa giết được tao. Còn việc cụ Lại bảo sẽ thăng chức cho mày 2 bậc thì không được vì mày chỉ là một tên lính hầu thôi, trong luật nhà binh không có cái lệ ấy! Tao phụ trách Bộ Binh, tao am hiểu điều đó hơn cụ Lại nhà mày. Tao tha cho mày khỏi tội chết nhưng mày phải về báo lại cho cụ Lại biết là Hoàng Tướng công vẫn sống bình yên, vô sự. Xong đó mày phải giữ kín việc này đừng nói cho ai biết kẻo làm bẽ mặt cụ Lại nhà mày! Nghe không?”.
Tên thám kích được thoát chết mừng quá vội cúi đầu lạy tạ Khải rồi tìm đường chuồn thẳng sợ bị người của Thân theo dõi tìm cách thủ tiêu để bịt khẩu.
Khi biết được tin này, Thân tức uất lên, nhưng không dám hé miệng nói với ai cả. Câu chuyện được bưng bít kín nhưng rồi cũng bị lộ ra ngoài, cả triều đình đều biết làm cho Thân rất bẽ mặt, không dám gặp Khải nữa!
Còn Khải, sau sự kiện ấy biết là mình không thể sống yên ổn trong cái tập thể này được, đành phải trở về đất Bắc, nhậm chức Tổng đốc Hà Đông cho đến ngày nghỉ hưu.
Thế là chuyện cũ cũng cho qua, Khải không bận tâm suy nghĩ đến việc trả thù nữa. Nghe đâu cũng sau sự việc ấy Thân trở nên hoảng loạn, mang chứng bệnh thần kinh, lâm bệnh ốm ít lâu rồi qua đời.
Mười năm sau khi nghe tin Nguyễn Thân mất, Khải vẫn làm đôi câu đối gửi vào viếng:
“Giang hồ lăng miếu ngô bối chính phân ưu, hốt nhiên nhất mộng trường từ, thạch trụ vân yễn không điếu điếu!
Tôn tửu ly ca cố nhân trùng thử biệt, hồi ức thập niên tiền sự Hương Kiều phong nguyệt thượng y y !”.
Diễn dịch:
“Non sông, đền miếu một gánh bọn mình lo, mà sao một giấc bệnh dài Thạch Trụ mơ màng mây khói rải!
Chén rượu, câu ca chia tay người của khuất, nhớ lại mười năm chuyện trước, Hương Kiều lặng lặng bóng trăng soi!”
Một đôi câu đối nhắc lại chuyện xưa rất cảm động nhưng cũng ngụ ý châm biếm rất chua cay, khiến cho các giới am hiểu đều tán thưởng khen hay.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*